Điều chỉnh việc ủy quyền thu tiền xử phạt vi phạm hành chính

Theo đề xuất, sắp tới đây, cơ quan Thuế sẽ đảm nhận nhiệm vụ cấp giao biên lai thu tiền phạt cho các cơ quan, đơn vị gồm Kho bạc Nhà nước cùng cấp, các tổ chức, cá nhân được ủy nhiệm thu bằng biên lai, các cơ quan có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp.

Trước đó không lâu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc báo cáo giải trình, làm rõ những điều bất hợp lý liên quan đến giấy ủy quyền thu tiền phạt VPHC của Kho bạc Nhà nước tỉnh cho ông Huỳnh Vũ Phong (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh), được nêu tại báo cáo của Tổ kiểm tra xác minh thông tin báo chí nêu; Sở Tư pháp đã có buổi làm việc với các bên có liên quan. Theo đó, thống nhất sẽ đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh về việc thu hồi giấy ủy quyền không phù hợp của Kho bạc Nhà nước tỉnh Cà Mau.

Cụ thể, tại Giấy ủy quyền số 07 của Kho bạc Nhà nước tỉnh ngày 1/1/2017, đã dựa trên căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC và Thông tư số 153/2013/TT- BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt.

Sau khi xem xét lại thì nội dung các văn bản quy phạm pháp luật này không có bất cứ điều, khoản nào quy định về thẩm quyền, trình tự, hình thức về việc ủy quyền thu tiền xử phạt VPHC. Thêm vào đó, theo Kho bạc Nhà nước tỉnh cho rằng giấy ủy quyền trên được ban hành là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy định tại Công văn số 4232-TC/KBNN ngày 27/11/1997 của Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, qua đối chiếu với các quy định hiện hành thì công văn trên đã không còn hiệu lực. Bởi lẽ, Công văn số 4232 được ban hành dựa trên Thông tư số 63-TC/CSTC ngày 11/9/1997 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi một số quy định về việc tổ chức thu, quản lý biên lai thu tiền phạt hành chính của Thông tư số 52/TC/CSTC ngày 12/9/1996 của Bộ này. Các thông tư này lại dựa trên quy định tại Pháp lệnh xử lý VPHC ngày 6/7/1995. Hiện tại, Pháp lệnh này cũng đã được thay thể bằng Luật Xử lý VPHC năm 2012.

Với mục tiêu cải cách nhằm tạo thuận lợi cho người nộp phạt, cũng như chống thất thu ngân sách nhà nước, Luật Xử phạt VPHC năm 2012 đã mở rộng theo hướng, ngoài cơ quan Kho bạc Nhà nước được quyền thu tiền phạt thì còn có hệ thống Ngân hàng Ngoại thương – đây là tổ chức được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu. Đồng thời, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt cũng được thu trực tiếp. Song, ở quy định này không đồng nghĩa với việc Kho bạc Nhà nước được ủy quyền cho một tổ chức khác ngoài Ngân hàng Ngoại thương “thu hộ” tiền phạt.

Trên thực tế, ngoài Chi cục Quản lý thị trường, hiện tại Kho bạc Nhà nước Cà Mau còn ủy quyền cho 10 cơ quan, đơn vị khác trong việc thu tiền xử phạt VPHC, gồm: Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Thanh tra Đường thủy nội địa số 8, Cảnh sát 113, Chi cục Bảo vệ thực vật, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Xét thấy việc ủy quyền trên là không có cơ sở pháp lý, cũng như không phù hợp với quy định hiện hành; sau khi thảo luận với Cục thuế Cà Mau, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp đã đi đến thống nhất đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh về việc sẽ thu hồi các giấy ủy quyền không phù hợp của Kho bạc Nhà nước tỉnh trong thời gian qua.

Theo đó, Cơ quan Thuế sẽ đảm nhận nhiệm vụ cấp giao biên lai thu tiền phạt cho các cơ quan, đơn vị, gồm: Kho bạc Nhà nước cùng cấp, các tổ chức, cá nhân được ủy nhiệm thu bằng biên lai, các cơ quan có thẩm quyền thu tiền phạt trực tiếp.
Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ thực hiện ủy nhiệm thu tiền xử phạt VPHC cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Riêng đối với cách áp dụng để thu tiền xử phạt VPHC đối với các trường hợp nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt, hiện tại, Sở Tư pháp vẫn chưa tìm thấy tiêu chí để xác định “vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn…” theo quy định tại khoản 2, Điều 78, Luật Xử phạt VPHC năm 2012. Vì vậy, Sở Tư pháp đề xuất, đối với phạm vi áp dụng: Các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau (nơi không có Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền xử phạt VPHC), thì được nộp cho người có thẩm quyền xử phạt VPHC.

Một số trường hợp có thể nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt, gồm: Xử phạt vi VPHC không lập biên bản theo Điều 56, Luật Xử lý VPHC năm 2012; Xử phạt VPHC trên vùng nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa trên vùng biển tỉnh Cà Mau; Xử phạt VPHC đối với đoàn khách lữ hành ngoài tỉnh đến tham quan, du lịch tại tỉnh Cà Mau; Xử phạt VPHC đối với phương tiện ngoài tỉnh vận chuyển hàng hóa cần bảo quản đặc biệt; Xử phạt VPHC ngoài giờ hành chính.

Bên cạnh đó, có thể nộp tiền cho người có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp thu tiền phạt tại chỗ khi các vi phạm không áp dụng hình thức bổ sung như: Tịch thu, tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *