Điều kỳ diệu từ trái tim

Bác sĩ Biên kiểm tra huyết áp chị Nguyễn Thị Diệu Hiền.

Một buổi sáng, theo hẹn, tôi đến Trung tâm, nghe có tiếng xe, nhiều bệnh nhân chạy đến, nhìn qua khung rào với vẻ mặt hớn hở, có người vừa nhún nhảy, vừa vỗ tay như những đứa trẻ hồn nhiên mừng mẹ đi chợ về…

Bác sĩ Biên ra đón chúng tôi. Cái bắt tay ấm áp, nụ cười hiền, phong cách giản dị, gần gũi của vị giám đốc gây ấn tượng đặc biệt với tôi trong lần gặp đầu tiên. Dẫn chúng tôi tham quan Trung tâm, với chất giọng “cứng”, từng lời chậm rãi của người gốc Nam Định, Giám đốc Biên từ tốn kể cho chúng tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề và nhất là chuyện “duyên nghiệp” với bệnh nhân tâm thần.

Bác sĩ Biên trò chuyện với bệnh nhân tại phòng ăn.

Theo lời kể, năm 17 tuổi, ông cùng gia đình gồm ba mẹ và 4 chị em rời quê hương Nam Định đến vàm Cái Tàu, xã Khánh An, khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp. Dù nghèo, nhưng ông may mắn là một trong số 5 người con được gia đình cho ăn học và ước mơ trở thành người thầy thuốc cứu giúp người đã thành hiện thực…

Chúng tôi rảo bước trong khuôn viên dành cho bệnh nhân, tại khu vực sân bóng có khoảng chục bệnh nhân nam đang chơi bóng chuyền; dưới những tán cây xanh, các cô, các chị tụm ba tụm bảy cười nói vui vẻ, có chị hò hét, vỗ tay cổ vũ các anh thi đấu… Nhiều ánh mắt dõi theo từng bước chân chúng tôi, có ánh mắt thân thiện, hồn nhiên và cả những ánh mắt soi mói đến “khó hiểu”. Bỗng có một chị với gương mặt dễ nhìn, xăm xăm tiến về phía chúng tôi, nắm lấy tay Giám đốc Biên, năn nỉ: “Hôm nay, bác sĩ cho em về nhà nhé, em khỏe rồi, em nhớ nhà quá, bác sĩ thấy không? Em tỉnh queo có bệnh hoạn gì đâu?…”. Vị bác sĩ “chống chế” bằng một nụ cười thân thiện, cùng lời hứa “suông”: “Ờ, bác sĩ sẽ cho về nhà nếu nghe lời bác sĩ uống thuốc đều và đầy đủ”. Chị gật đầu, với ánh mắt đầy hy vọng: “Bác sĩ hứa rồi nhé! Mai em về nhà rồi, vui ơi là vui!”.

Bác sĩ Biên thân thiện, gần gũi với bệnh nhân, trên khuôn mặt luôn điểm nụ cười.

Chúng tôi chưa kịp rời khỏi khuôn viên, thì có khoảng 10 bệnh nhân vây quanh, có một anh dáng người cao, mập mạp, hớt tóc đinh, mang theo cả mùng mền và cặp quần áo trên người, đến gần kéo tay Giám đốc Biên: “Bác sĩ ơi, hôm nay em thuộc bài Tây Du Ký rồi, để em hát cho bác sĩ và mọi người nghe”, rồi anh “nghiêm trang” hát, hòa cùng tiếng vỗ tay của mọi người: “Đây hành lý anh mang, tôi cầm cương dắt ngựa. Nhìn ngắm trời cao chập chùng lòng lo lắng không yên. Đường thỉnh kinh còn xa, không ngại hiểm nguy gian khó. Ngày tháng cùng năm trôi dần, ngọt bùi cay đắng đã qua, biết đi chốn nào về đâu… Là la là la la lá la la là la”. Dứt lời bài hát, anh chàng cười hì: “Em hát hay hông bác sĩ?”. Rồi, Giám đốc Biên nháy mắt, ra hiệu cho tôi ra khỏi khu vực dành cho bệnh nhân, nếu không mọi người kéo đến càng đông, mà không thuận theo thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trước khi rời khỏi, một anh thanh niên còn vội nhét vào tay tôi tờ giấy, ghi mấy dòng chữ: “From: Chung Văn Nhã, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh Cà Mau – To: Huỳnh Thị Hòa, 30/46 Nguyễn Thái Học, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”, kèm theo vài dòng nhắn gửi “Nhận được thư, chị làm đơn vào Trung tâm bảo lãnh em về”…

Giám đốc Biên phân trần: “Phải thuận theo ý bệnh nhân, cùng với tình cảm chân thành dành cho họ thì công tác quản lý, điều trị mới có hiệu quả”. Trong giao tiếp cũng thế, phải thân thiện cởi mở, đôi khi phải hứa với bệnh nhân đủ điều, cho qua chuyện, bởi họ cũng sẽ quên ngay sau đó. Không giống với điều trị bệnh khác chỉ cần nhìn hình ảnh siêu âm, đọc thông tin xét nghiệm và hỏi các triệu chứng của người bệnh; với bệnh nhân tâm thần, để kê thuốc đúng, có khi các bác sĩ cũng phải hóa thân thành “bệnh nhân tâm thần”, kể những câu chuyện cho bệnh nhân nghe để họ cảm giác yên tâm và đồng ý chia sẻ với mình, nghe họ tâm sự rồi mới đưa ra được những cách điều trị tốt nhất”.

Tôi gặp và trò chuyện với chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, sinh năm 1972, nếu chị không mặt đồng phục của bệnh nhân, khó có thể đoán chị bị bệnh tâm thần. Hơn 10 năm trước, chị từng là giáo viên tiểu học, với một gia đình hạnh phúc cùng chồng và 2 cô con gái. Hạnh phúc đổ vỡ, chồng bỏ đi, tinh thần chị Hiền càng sa sút, dẫn đến bệnh tật. Chị được người chị gái đưa vô Trung tâm điều trị hơn 10 năm nay. Tâm lý khá tỉnh táo, chị Hiền chia sẻ: “Trước đây, khi mới vào Trung tâm, qua lời kể của các chị bạn, khi nổi cơn, tôi hành hạ các y, bác sĩ dữ lắm, bướng bỉnh quậy phá, không chịu uống thuốc… Rồi nhờ Giám đốc Biên khuyên răn, trực tiếp điều trị, cùng sự chăm sóc tận tình của nhân viên Trung tâm, sức khỏe tôi mới dần ổn định như hôm nay. Giờ thì tôi xem nơi đây là nhà rồi, bởi hơn 10 năm qua tôi đã mất liên lạc với chồng và các con. Còn đối với bác sĩ Biên, tuy là Giám đốc nhưng anh thân thiện, gần gũi, dễ mến lắm nên hầu hết mọi người trong đây ai cũng quý và xem như anh, chú trong gia đình”.

Theo lời Giám đốc Biên, Trung tâm hiện đang quản lý và điều trị cho 240 bệnh nhân, số người bệnh được đưa vào đây có xu hướng tăng dần, riêng năm 2016 tiếp nhận 47 trường hợp. Có số ít trường hợp phục hồi được người thân đưa về tái hòa nhập cộng đồng; song, phần đông bệnh nặng, gần như người nhà bỏ mặc, không trở lại thăm nom nên trong họ luôn có khát khao cháy bỏng được về đoàn tụ với gia đình.

Nghề thầy thuốc là mơ ước của nhiều người, nhưng các bác sĩ chữa bệnh cho người tâm thần lại bị bạn bè nhìn với con mắt ái ngại. Đối với Giám đốc Biên, ông xem việc trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần cũng là cái duyên, là may mắn của mình với nghề. Ra trường từ khóa đào tạo đầu tiên của Trường Trung học Y tế Minh Hải năm 1983 (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu), về nhận nhiệm vụ tại Phòng khám Đa khoa Khánh An, rồi Bệnh viện U Minh, sau đó được cử đi học chuyên tu lên bác sĩ, chuyên khoa I chuyên ngành Nội tổng quát. Học xong, năm 2003, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần được thành lập thì ông nhận nhiệm vụ mới – Phó Giám đốc Trung tâm, năm 2004 thì chính thức được bổ nhiệm chức giám đốc đến nay. Ông tâm sự: “Nhớ lại những ngày đầu Trung tâm đi vào hoạt động, thực sự là khoảng thời gian “khủng khiếp” đối với cán bộ, nhân viên và đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại đây. Bởi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh nghiệm trong quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần còn hạn chế; đến việc chứng kiến các tình huống không ngờ, như: Bệnh nhân tự tử, hay tranh nhau ăn đến nghẹn mà chết, trốn, đập phá Trung tâm, thậm chí đánh y, bác sĩ… Thời gian đầu, các anh em mới tập sự hoảng sợ, ngán ngẩm, có ý định xin nghỉ việc”. Anh Huỳnh Văn Cường, nhân viên Trung tâm, chia sẻ rằng những tháng đầu tiên làm việc tại Trung tâm thực sự là thách thức lớn đối với bản thân. “Cực khổ không thể tả, nguy hiểm cùng nỗi sợ hãi luôn rình rập, tôi cũng như một số anh em đã có ý định xin nghỉ việc. Chú Biên đã động viên, sát cánh cùng mọi người trong mọi hoạt động từ buổi ban đầu. Qua các sự cố hy hữu, khó lường trước xảy ra cho bệnh nhân, chú kịp thời họp rút kinh nghiệm, có những sáng kiến cải thiện bữa ăn, sức khỏe cho bệnh nhân; chỉ đạo sửa chữa cơ sở vật chất, như: Hồ nước, hệ thống điện, bố trí các vật dụng cho phù hợp… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình huống xấu xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Nhờ vậy, đến nay công tác quản lý, khám bệnh và điều trị cho bệnh nhân được cải thiện tốt hơn”, anh Cường nhắc về vị giám đốc có tài và có tâm của đơn vị.

Quả thật, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ. Những gì xuất phát từ trái tim mới có thể chạm đến trái tim; phải cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia bằng tất cả tình thương, sự bao dung thì mới có thể hết lòng chăm sóc, cưu mang những mảnh đời bất hạnh, tình thương cho đi thì yêu thương nhận lại… Bác sĩ Trần Văn Biên, một vị giám đốc bình dị, đáng kính không những làm được điều đó mà còn “truyền lửa” đến tất cả các y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm chung tay khỏa lấp khoảng trống tinh thần cho hàng trăm bệnh nhân tâm thần nơi đây!

“Bên cạnh tinh thần trách nhiệm, điều quan trọng là cái tâm đối với bệnh nhân, nên các anh em trong Trung tâm đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thay nhau chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Trần Văn Biên chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *