Doanh nghiệp Cà Mau “đón” TPP

Ngoài thủy sản, tỉnh cũng có tiềm năng về xuất khẩu gỗ.

SÂN CHƠI LỚN

Nguyên tắc chung của TPP là tất cả các dòng thuế nhập khẩu sẽ bằng 0%. Dù phải còn chờ thêm từ 18 tháng đến hai năm nữa để Hiệp định này được thông qua, nhưng TPP cũng đã tác động đến các DN cả nước nói chung và tại Cà Mau nói riêng. Tâm trạng chung của các DN là vừa mừng vừa lo, tuy nhiên tất cả đã sẵn sàng để bước vào “sân chơi” lớn.

DN mừng vì sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều, lớn và rộng hơn, có thể tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng toàn cầu; việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, nguồn cung giá hợp lý cũng như chất lượng dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn. TPP với những đàm phán có lợi cho các ngành hàng sản xuất sử dụng lượng nhân công lao động lớn, như dệt may, thủy sản… Kỳ vọng vào sự đổi mới, có thể coi đó chính là điều mà người dân và DN mong chờ nhất từ TPP. Nhưng nó không chỉ đến từ sự chủ động của DN mà từ nỗ lực cải cách và cam kết thực thi từ phía các cơ quan quản lý. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Hữu Chinh nhận định: “Trong 12 nước tham gia TPP, chúng ta có một lợi thế rất lớn là không có các “cường quốc” thủy sản: Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ tham gia vào sân chơi này. Từ lợi thế đó, chúng ta phải biết khai thác và tận dụng để trụ vững trong TPP”.

Ngành công nghiệp chế biến thủy sản là lợi thế của Cà Mau khi gia nhập TPP.

THUẬN LỢI ĐAN XEN THÁCH THỨC

Trong quá trình đàm phán TPP, một số DN thủy sản kỳ vọng, khi Việt Nam là thành viên TPP thì tôm và cá tra sẽ không bị áp thuế bán phá giá tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn. Một thách thức là vấn đề lao động. Đã có nhiều thông tin cho rằng, khi gia nhập TPP, vấn đề lao động sẽ gây xáo trộn nguồn lao động của DN. Tuy nhiên, nhìn mặt tích cực sẽ thấy, những năm qua, khi TPP còn ở trên bàn đàm phán của các nước, nhiều DN thủy sản đã đi trước một bước, khi tham gia để lấy những chứng chỉ: ASC, MSC, GlobalGAP… với đòi hỏi khắt khe trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động trong ngành thủy sản.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh (CASEP), việc gia nhập TPP sẽ tạo ra thị trường tốt nhất cho xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau, đặc biệt là ở thị trường Nhật Bản. “Việc chúng ta tham gia TPP không chỉ có lợi cho DN mà là cả quy trình nuôi, trong đó có lợi ích cho người nông dân. Bởi tất cả các mặt hàng vật tư, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, phụ gia thức ăn… đều áp thuế 0%”, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký CASEP, phấn khởi thông tin. Tôm là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản tỉnh, diện tích thả nuôi lên đến hơn 267 ngàn hecta. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Với TPP, chúng ta sẽ tăng cường mở rộng diện tích, sản xuất có chất lượng hơn, đáp ứng các yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. TPP không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết được hết mọi việc. Tuy hàng rào thế quan được gỡ bỏ nhưng không loại trừ khả năng các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các hàng rào phi thuế quan: Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện về kỹ thuật sản xuất… để bảo hộ sản xuất trong nước họ”.

Gặp gỡ một số DN thủy sản, cho thấy các DN đã có sự chủ động trong các bước chuẩn bị trước khi TPP được thực thi. Ông Ngô Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh – Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt, cho biết: Hiện, Công ty có khoảng 3.000 công nhân lao động, thu nhập luôn được đảm bảo với mức lương trung bình khoảng hơn 4,5 triệu đồng/tháng. Công ty đã mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ mới để đáp ứng được yêu cầu kinh tế thị trường. Trại nuôi áp dụng các hệ thống, quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng mới: ACC, VietGAP, GCN.., đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản để có thể đáp ứng và xâm nhập vào thị trường mới.

Là DN tư nhân đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện có 9 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ 700 tỷ đồng và gần 15 ngàn lao động; máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đặc biệt là Tập đoàn có chiến lược phát triển bền vững theo quy trình khép kín từ sản xuất: Giống – nuôi tôm – thương phẩm – chế biến và xuất khẩu. Hàng năm xuất ra trên 50 ngàn tấn thành phẩm, phần lớn là các mặt hàng tinh chế có giá trị gia tăng, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của khách hàng trên thế giới. Tới đây, Tập đoàn Minh Phú sẽ quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho người lao động những kiến thức cơ bản để DN bước vào sân chơi lớn TPP.

Thời gian tới, Cà Mau tập trung vào việc phát triển hình thức nuôi tôm công nghiệp năng suất cao, tạo nguồn nguyên liệu cho ngành xuất khẩu thủy sản phát triển.

Ngoài thủy sản, tỉnh cũng đặc biệt có tiềm năng về xuất khẩu gỗ, nhiều năm qua tỉnh có nhiều giải pháp cải thiện đời sống cư dân vùng rừng và phát triển kinh tế rừng. Về xuất khẩu gạo, Cà Mau tập trung xây dựng sản phẩm gạo thành thương hiệu mạnh, tầm nhìn đến năm 2020 theo hướng nông nghiệp hàng hóa; trong đó, xác định gạo là một trong những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có thương hiệu mạnh trên thương trường trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo khoa học về huy động các nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ (KHCN) tại khu vực phía Nam do Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau tổ chức; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh: Các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố phía Nam nghiên cứu huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực, từ xã hội trong phát triển KHCN; các DN tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh cao trên thị trường khi nước ta tham gia Hiệp định TPP.

TPP đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức với DN trong nước nói chung và Cà Mau nói riêng. Các DN cần tập trung vào các thị trường trọng điểm, làm ăn kinh doanh có bài bản hơn. Trước hết, cần phải tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, quảng bá phù hợp để hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng sử dụng hàng sản xuất trong nước, sau đó mới tính đến chuyện vươn ra thị trường thế giới. Về phía các cấp chính quyền, cần có các chính sách cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, thể chế, mua sắm công, tiêu chuẩn lao động; lấy lợi ích của DN, của người dân là trọng tâm phục vụ, từ đó trợ lực nhiều hơn cho DN bước vào sân chơi lớn TPP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *