Độc đáo Lễ hội Kỳ Yên

Các phần nghi thức trong Lễ Kỳ Yên không thể thiếu các học trò lễ.

Đình làng còn là “Nhà việc đầu tiên”, nơi mà chính quyền, xã, ấp mượn tạm chỗ để làm việc hành chánh và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế cho nhân dân; cũng là nơi sinh hoạt của cộng đồng, là trung tâm văn hóa của xã, ấp, nơi dạy chữ, hát tuồng, đờn ca… Cho nên nơi nào có xóm làng sung túc, có các bậc tiền nhân xuất chúng, hoặc có chính quyền vững mạnh, thì nơi đó có đình làng.

Bàn thờ Bác Hồ ở đình An Trạch, ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành, được cúng kiếng trang trọng trong dịp Lễ Kỳ Yên.

Bản sắc phong Linh thần được các vị cao niên dịch lại và lưu giữ.

Tại TP. Cà Mau, một trong những ngôi đình nổi tiếng là đình Tân Thành (xã Tân Thành), được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009, là cái nôi của đình thần những xã lân cận. Xã Hòa Thành hiện nay cũng đang duy trì bảo tồn 3 đình là An Thành, Tân Trạch và Tân Hóa. Vào các ngày 16, 17 tháng Giêng hàng năm, các đình tổ chức Lễ hội Kỳ Yên, thu hút rất nhiều người dân địa phương đến tham dự.

Lễ Kỳ Yên là lễ thần, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà cơm no áo ấm, an cư lạc nghiệp. Xưa kia, dân tộc Việt di dân vào Nam khẩn đất lập làng, phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong khi đó, xã hội có trên 70% nông dân chỉ là tá điền, cuộc sống nghèo nàn, quanh năm vất vả, nên khi có ngôi đình để cúng kiếng, họ khát khao cầu an. Từ đó ở Nam Bộ, Lễ Kỳ Yên trở thành đại lễ, lễ chính ở các đình miếu. Tuy Lễ Kỳ Yên của mỗi đình đều ấn định một ngày riêng, nhưng các địa phương thường tổ chức vào 3 tháng đầu năm hoặc 3 tháng cuối năm âm lịch.

Các bài văn tế được ông Hương văn đọc trong Lễ Kỳ Yên.

Đội trống kèn trong Lễ Kỳ Yên đều là thành viên trong Ban trị sự đình.

Bà con trong và ngoài địa phương đến đây thắp hương, cầu nguyện.

Ông Lâm Văn Lo, Chánh Bái đình An Thành (ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau), người gắn bó với đình hơn 30 năm nay, cho biết: Trong Lễ Kỳ Yên, vào ngày 16 tháng Giêng cúng Thần Nông, ngày 17 cúng Linh thần; lễ vật cúng có một con heo trắng đặt sấp, xôi, trái cây, muối, gạo… Ngoài ra, còn có các lễ vật do người dân mang đến như gà, vịt, xôi, trái cây…, nhà nào có điều kiện sẽ cúng cho đình bằng heo và tiền, vàng. Sau lễ cúng Thần Nông, Ban trị sự đình và phụ nữ trong vùng bắt đầu xẻ thịt heo, chế biến các món ăn để đãi khách, ai cũng đồng lòng góp sức cho ngày lễ thêm trang trọng và ý nghĩa. Cùng ngày có thêm một lễ nữa, gọi là cúng Niêm Yết, gồm, xôi, thịt, hoa quả… đơn giản, để chuẩn bị cho lễ mở (thỉnh) sắc thần vào 7 giờ sáng hôm sau, hay còn gọi là lễ tạ ơn.

Lễ cúng Linh thần được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ Kỳ Yên, được tổ chức rất trang nghiêm, long trọng. Trong lễ có hoạt động rước sắc thần về đình để cúng tế (sắc thần được thờ ở nhà ông Chánh Bái, Chánh Hội trưởng hay vị hương chức nào được Ban trị sự tín nhiệm, phải hương đăng thường nhật như thờ phượng ông bà). Thành phần đi thỉnh sắc thần gồm phó bái, chánh – phó chủ hội, các vị hương trưởng, ban nhạc, ban lễ và lễ sĩ (học trò lễ). Sắc thần là một mẩu giấy khổ từ 1,2m – 1,5m, rộng từ 0,5 – 0,6m, có màu vàng, được viết bằng chữ Nôm. Mỗi đình sẽ có một sắc thần riêng, sắc thần là vật thiêng liêng và được công nhận của chính quyền địa phương.

Ông Hương văn sẽ là người xướng lễ, đọc diễn văn khai mạc lễ hội, nêu rõ nội dung cúng tế Linh thần và các liệt vị được thờ trong ngôi đình; sau khi dâng bốn tuần rượu, đưa cho 2 học trò lễ, đem lên bàn thờ rót rượu. Nghi thức mở sắc thần diễn ra trong sự chứng kiến của người dân, chính quyền địa phương, các chùa, miếu bạn trong vùng đến chiêm ngưỡng. Sau đó, thành viên trong Ban trị sự sẽ vái lạy, kiểm tra sắc thần và thỉnh sắc vào y như cũ.

Nghi thức cuối cùng của Lễ Kỳ Yên gần kết thúc, cũng là lúc Ban trị sự bắt đầu nấu 3 mâm cơm để cúng những người “khuất mặt”. Quan trọng nhất là mâm cơm thứ 3, cúng để xin phép đem sắc thần trở về, rồi xẻ thịt heo để chế biến những món ăn, phục vụ bà con. Ông Trần Nhật Quang, ấp Xóm Chùa, xã Hòa Thành: “Mọi năm làm lúa thì cúng Thần Nông cầu cho trúng mùa, bây giờ làm vuông thì cầu cho vụ nuôi tôm thành công. Tới ngày Lễ Kỳ Yên, tôi đều đến đây thắp hương, gửi gắm những cầu mong của mình đến các đấng thần linh”.

Mỗi khi đến lễ, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho bà con thực hành nghi lễ, cũng là để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của Lễ Kỳ Yên tại vùng đất Cà Mau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *