Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, một cuộc cách mạng đã giải phóng triệt để con người, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể loài người. Ảnh: Các chiến sĩ Hồng quân bên những chiếc xe bọc thép Smolny, ngày 7/11/1917. Ảnh: Tư liệu

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều đi đến thất bại, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đã xuất hiện và tìm ra lời giải đáp cho cách mạng Việt Nam. Qua nghiên cứu, khảo sát các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới, nhưng Người đi đến kết luận là các cuộc cách mạng đó đều “không đến nơi” và đó không phải là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, đối với Người, giải phóng dân tộc phải gắn liền với tự do, ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Tư tưởng nhân văn ấy, Người đã tìm thấy trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vì Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải phóng triệt để con người, là một cuộc cách mạng đến nơi một cách thật sự, mở ra một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn thể loài người. Từ đó, Người đã lựa chọn cách mạng Việt Nam đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga – con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH theo hệ tư tưởng Mác – Lênin. Người khẳng định: Chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ, và cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng CNXH thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định độc lập dân tộc và CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta; đi lên CNXH là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930, Đảng ta đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng CNXH. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng với nhau. Muốn xây dựng CNXH, trước hết phải giành được độc lập dân tộc và có đi lên CNXH mới giữ vững được độc lập dân tộc và xây dựng được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo của mình. Trong Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH của Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951) khẳng định, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và, nước Việt Nam sẽ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng, luôn nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tư tưởng chiến lược cách mạng của Đảng ta.

Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) diễn ra trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, với hai chế độ khác nhau, vì vậy, Báo cáo chính trị xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội lần IV của Đảng (năm 1976) chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới – “giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”.

Xuất phát từ thực tiễn, Đại hội lần thứ V của Đảng (năm 1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Xây dựng thành công CNXH; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ mật thiết với nhau.

Tuy nhiên, vì mắc phải những sai lầm do bệnh chủ quan duy ý chí, nóng vội trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về kinh tế – xã hội kéo dài.

Để khắc phục những sai lầm đó, Đại hội lần VI (năm 1986) của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên CNXH.

Đại hội lần thứ VII (năm 1991) của Đảng ta khẳng định: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh đã nêu lên 6 đặc trưng cơ bản của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng và 7 phương hướng cơ bản trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ VIII (năm 1996) của Đảng ta khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và nêu ra bài học kinh nghiệm số 1 là: Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội lần thứ IX (năm 2001) của Đảng đã bổ sung, làm sáng tỏ thêm con đường đi lên CNXH ở Việt Nam về mục tiêu, động lực, về bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong quá trình đi lên CNXH của nước ta.

Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ X (năm 2006) của Đảng khẳng định: Nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn với 8 đặc trưng cơ bản. Đồng thời, Đại hội đã rút ra 6 bài học lớn của thực tiễn 20 năm đổi mới, trong đó nhấn mạnh bài học số 1 là: Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội XI (năm 2011) đã tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, bổ sung phát triển thành Cương lĩnh năm 2011, đã rút ra 5 bài học cơ bản và tiếp tục nhấn mạnh bài học hàng đầu là: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Cương lĩnh đã nêu lên những nội dung cơ bản của con đường quá độ lên CNXH ở nước ta; đồng thời bổ sung, phát triển những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng cơ bản, vạch ra các phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta.

Nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm, Đại hội lần thứ XII (năm 2016) của Đảng đã rút ra một số bài học, trong đó tiếp tục nhấn mạnh bài học kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới.

Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như thế nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó cũng là sự nhất quán giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Đảng ta về con đường của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đã khẳng định, đi lên CNXH là con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Ngày nay, con đường đi lên CNXH của nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn, đang trực tiếp tác động đến thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta. Công cuộc đổi mới của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải được khắc phục. Tình trạng suy thoái, biến chất về phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; vấn nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu diễn biến phức tạp, tinh vi, chưa có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để. Hệ thống CNXH trên thế giới lâm vào khủng hoảng; các thế lực phản động luôn tìm mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta; các thế lực phản động muốn phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản – nhân tố quyết định cho sự thành công của CNXH. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, đặc biệt là vấn đề tranh chấp Biển Đông, diễn biến phức tạp đang đặt ra vấn đề cấp thiết để bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Khẳng định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta. Đồng thời, không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc con đường đi lên CNXH và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của cách mạng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *