Đổi mới tư duy và cách làm

Đổi mới tư duy và cách làm là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động cải cách hành chính thời gian tới.

Đánh giá tình hình sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ, theo UBND tỉnh, địa phương đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực: Hệ thống thể chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh từng bước được hoàn thiện; có trên 1.000 thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn thời gian giải quyết (chiếm trên 50% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh); số hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn đạt tỷ lệ rất cao, trên 98%; tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, phù hợp và hiệu quả hơn; thực hiện tinh giản biên chế công chức đạt 11,43% (theo quy định là 10%); sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên lĩnh vực giáo dục, y tế đạt 95%; việc xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân về giải quyết TTHC…

Đặc biệt, theo quyết định công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt 91,57%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng đầu các tỉnh khu vực ĐBSCL. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có sự cải thiện liên tục trong 4 năm qua.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động CCHC, hướng đến một nền hành chính kiến tạo, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới cần đổi mới tư duy, cách làm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được giao. Mục tiêu cuối cùng của CCHC là để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn, vì vậy phải có sự đồng hành của người dân, DN với chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ này. Các cơ quan nhà nước của tỉnh phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN tiếp cận thông tin, có thêm nguồn lực phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp phải có cách nhìn lạc quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không chỉ nhìn vào các mặt khó khăn, hạn chế của tỉnh (về hạ tầng, giao thông, vị trí địa lý của tỉnh nằm cách xa các thị trường lớn…), mà phải biết phát huy những thế mạnh tiềm năng vốn có, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến việc nâng cao năng suất lao động; tăng cường kết nối giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư, DN nhằm tăng nguồn lực cho cả hai phía, tận dụng tốt những cơ hội ở địa phương, ở trong và ngoài nước để phát triển kinh tế.

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện CCHC. Người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; bắt kịp các xu hướng phát triển, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để có sự thay đổi, chỉ đạo, điều hành cho phù hợp.

Cần có sự nhận xét đánh giá khách quan và cơ chế thưởng, phạt rõ ràng đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu trong việc cải thiện các chỉ số do ngành, đơn vị phụ trách. Tập trung nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, vì ở bất kỳ lĩnh vực nào, công việc nào, nhân tố con người cũng luôn giữ vai trò quyết định hàng đầu. Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung: Làm tốt công tác tuyển chọn, bố trí; đào tạo, bồi dưỡng; nhận xét, đánh giá; khen thưởng, kỷ luật; chế độ đãi ngộ…

Đẩy mạnh cải cách TTHC, xem đây là khâu đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và DN; là biện pháp quan trọng để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến về nhiệm vụ CCHC. Lấy mức độ hài lòng của người dân, DN là thước đo chất lượng, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước các cấp là cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *