Dớn Hàng Gòn ngày càng đổi mới

Trên những hố bom ngày xưa giờ là những cánh đồng lúa năng suất cao.

Lịch sử còn ghi tội ác của quân xâm lược: Vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 11/9/1969, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ say, không lực Hoa Kỳ đã dùng 2 phi đội 12 chiếc B52 dội hàng trăm tấn bom xuống kinh Dớn Hàng Gòn với chiều dài hơn 2km, đã làm thiệt mạng 65 người và hàng trăm người bị thương, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Đây là những mất mát to lớn, đau thương tột cùng của người dân Kinh Dớn. Cựu chiến binh Phan Hữu Thích (Ấp 3), từng tham gia du kích xã giai đoạn 1969 – 1975, bùi ngùi nhớ lại: “Quân địch xác định đây là vùng trọng điểm, vùng căn cứ cách mạng, không chỉ cán bộ, bộ đội hoạt động mà người dân cùng một lòng theo cách mạng, nuôi chứa cán bộ. Vì vậy chúng tập trung đánh phá dữ dội, ác liệt”.

Bia căm thù được dựng lên như một lời nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ phải biết quý hơn nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Nỗi đau đã biến thành sức mạnh, để từ đó bùng cháy mãnh liệt hơn trong người dân Kinh Dớn lòng căm thù đế quốc xâm lược, để những trận chiến đấu tiếp theo là những dấu mốc của chiến công. Chung niềm vui sướng tột cùng Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất 30/4/1975, vùng đất đau thương Dớn Hàng Gòn như nở hoa trở lại.

Nhân dân Dớn Hàng Gòn sẽ tiếp tục đoàn kết xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn trên quê hương cách mạng.

Sau ngày giải phóng, bia căm thù được xây dựng uy nghiêm ngay chính nơi bom B52 Mỹ cày xới cách đây nửa thế kỷ. Một lần nữa, người dân Dớn Hàng Gòn lại đồng lòng vươn lên làm kinh tế với khẩu hiệu “lấp hố bom để xây cuộc sống”. Trên những hố bom ngày nào giờ đây là những vườn cây ăn trái trĩu quả và những cánh đồng sản xuất lúa hai vụ kết hợp đa cây đa con. Nếu trước đây, vùng đất Ấp 3 chỉ trồng được lúa 1 vụ, năng suất chỉ đạt từ vài chục giạ/công thì đến nay đã trồng được lúa 2 vụ, với năng suất trung bình 4,5 tấn/ha. Nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất trên cùng diện tích, với các mô hình: Nuôi cá đồng, cá hồ ao, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm… Đời sống người dân từng bước đi lên. “Ngày đất nước giải phóng, ai ai cũng mừng rỡ, chính quyền địa phương thì vận động nhân dân thi đua sản xuất phát triển kinh tế. Đảng và dân đồng lòng, đã làm nên sự đổi thay như hôm nay”, cựu chiến binh Trịnh Văn Kịch bồi hồi.  

Lộ bê-tông thẳng tắp, tạo điều kiện cho người dân thông thương.

Ấp 3 hiện có hơn 233 hộ dân, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 70%. Ấp đã có lộ bê tông đạt chuẩn nông thôn mới ở các trục đường chính, gần 100% hộ dân được sử dụng điện kế chính, tình hình an ninh trật ổn định, nhân dân an tâm lao động sản xuất.

Những ngày tháng Tư lịch sử, ngắm quê hương khởi sắc, những người lính năm xưa tóc đã nhuốm màu sương bỗng rưng rưng cảm xúc. Cựu chiến binh Phan Hữu Thích bùi ngùi: “Mỗi năm, cứ vào tháng Tư kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi đều rất vui mừng, vì đất nước giữ vững độc lập, ngày càng phát triển mạnh giàu, nhân dân có cuộc sống ấm no, sung túc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *