Đón tương lai từ cảng Hòn Khoai

Cụm đảo Hòn Khoai từ góc nhìn trên đỉnh đảo, phía xa là eo đảo, nơi dự kiến sẽ được xây dựng cảng biển.

Lợi thế của Cảng Hòn Khoai được đặt tại cụm đảo Hòn Khoai, bởi đây là vùng biển nước sâu, cận kề tuyến hàng hải quốc tế, là điểm kết nối tuyến hành lang trên biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Cảng Hòn Khoai có khoảng cách không xa với đất liền, cùng với đó, đường Hồ Chí Minh đã về đến tận Đất Mũi, tạo điều kiện kết nối với Khu kinh tế Năm Căn cũng như với các địa phương trong khu vực ĐBSCL và cả nước, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sông.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất cho tỉnh Cà Mau triển khai các bước cần thiết để tiến hành xây dựng Cảng Hòn Khoai tại cụm đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Đây là cảng biển tổng hợp nước sâu, khả năng đón tàu có tải trọng từ 5.000 đến 250.000 tấn vào bến. Từ chủ trương này, cùng với sự đồng ý chấp thuận của các Bộ, ngành liên quan, Cà Mau đã và đang xúc tiến công tác kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Hiện nay, đã có vài nhà đầu tư tiềm năng quan tâm, xúc tiến tìm hiểu về hiệu quả của dự án. Cùng với đó, tỉnh cũng đã tiến hành công bố quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cụm đảo Hòn Khoai, tạo cơ sở và hành lang pháp lý trong việc bảo tồn, phát triển các dự án tại cụm đảo trên quan điểm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và giữ vững an ninh, đảm bảo quốc phòng.

Ngọn Hải đăng trên đảo được xây dựng từ thời Pháp, được bảo quản và sử dụng đến nay.

Với mục tiêu hình thành cảng trung chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế cho cả vùng ĐBSCL, nhiên liệu và than đá cho các trung tâm nhiệt điện của vùng, Hòn Khoai còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi phân phối hàng hóa toàn cầu, kết nối hệ thống cảng biển và trung tâm kinh tế lớn trong khu vực: Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan qua kênh KraIsthmus (Thái Lan). Từ đây sẽ kết nối tàu lớn chuyên chở hàng hóa từ Ấn Độ Dương tiến vào Vịnh Thái Lan, sang Thái Bình Dương, mà không phải đi xa qua eo biển Malacca (Singapore), rút ngắn khoảng cách về hải trình trên 1.200km và Cảng Hòn Khoai là điểm nhấn quan trọng, nằm ngay trung tâm trên tuyến hải trình vốn nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới.

Mặt hàng tôm chế biến xuất khẩu của Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối so với cả nước, lâu nay phải vận chuyển ngược lên TP. Hồ Chí Minh để xuất sang các nước Đông Á và Đông Bắc Á, Hoa Kỳ. Trong khi đó, nếu được xuất trực tiếp qua Cảng Hòn Khoai, nhất là xuất sang thị trường Úc hay Ấn Độ, EU sẽ rất thuận tiện, không những giảm giá thành vận chuyển mà còn nâng cao giá trị sản phẩm do bỏ qua được khâu trung chuyển. Đối với sản phẩm trái cây, lúa gạo hay các mặt hàng thủy sản khác, cũng sẽ có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu của khu vực. Và cũng chính tại đây, vùng ĐBSCL có điều kiện tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu trong quá trình phát triển.

Nhìn từ Kinh Năm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cụm đảo Hòn Khoai rất gần với đất liền.

Một điều dễ nhận thấy là việc hình thành Cảng Hòn Khoai sẽ tạo động lực, điều kiện trong thu hút đầu tư, phát triển hiệu quả Khu kinh tế Năm Căn. Và Khu kinh tế Năm Căn phát triển cũng sẽ là đòn bẩy để Cảng Hòn Khoai hoạt động năng động hơn. Kéo theo đó, các khu công nghiệp: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc cũng sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển, nhất là về sản xuất, dịch vụ. Một điều đặc biệt không thể bỏ qua, du lịch xanh gắn liền với tham quan, trải nghiệm sẽ có sự tăng tốc đáng kể khi các điều kiện về hạ tầng, kinh tế phát triển.

Nhận diện lợi thế, nắm bắt thời cơ, Cà Mau đang quyết tâm hành động, sớm hình thành Cảng biển Hòn Khoai, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, kết nối cùng khu vực, cả nước và thế giới, đưa địa phương nơi chót cùng bản đồ Việt Nam xứng đáng trở thành “Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau”.

Để chuẩn bị đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh có chuyến khảo sát, xúc tiến đầu tư, học tập kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành cảng biển tại nước ngoài. Đoàn đến thực tế tại Cảng Yokohama (Nhật Bản), Cảng Busan (Hàn Quốc), Cảng Singapore (Singapore), Cảng Melbourne (Australia) để thảo luận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống cảng biển tiên tiến này.

Về phía các nhà quản lý, nhà đầu tư cảng biển tại Nhật Bản, Singapore thống nhất sẽ đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *