Đồng chí Hoàng Văn Thụ – lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (ảnh tư liệu)

Nhà lãnh đạo tận tụy

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng từ năm 1928 đến năm 1939, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương… Sự phát triển vững chắc của các cơ sở Đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn.

Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ uỷ lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ. Đảm nhận vai trò chủ bút, Đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ với bí danh là Lý.

Giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật. Những ngày tháng gian khổ, hoạt động gần gũi với các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên, hình ảnh anh Lý – người Bí thư Xứ uỷ tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng đã để lại cho cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng, quý mến như đối với người anh em ruột thịt trong gia đình.

Ngay khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ ngày 27/9/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức họp bàn với Ban Thường vụ Xứ uỷ, đề ra chủ trương: Duy trì Đội du kích Bắc Sơn để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng sau này. Thống nhất với đề nghị của Xứ ủy Bắc Kỳ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (họp từ ngày 6 – 9/11/1940 tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã đề ra chủ trương quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, giao đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.

Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bàn việc tổ chức thống nhất lực lượng cách mạng trong và ngoài nước; đồng thời, xin chỉ thị của Người về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Sau khi nhận chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã liên lạc với Tỉnh uỷ Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị.

Cuối tháng 2/1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã làm việc với Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn tại Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn) và thông báo chủ trương của Đảng về việc phát triển Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (họp tại Pắc Bó, Cao Bằng từ ngày 10 đến 19/5/1941), thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ dự hội nghị Xứ uỷ Bắc kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo công tác củng cố, phát triển Đảng, đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng. Từ cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ tập trung chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hoá, lôi cuốn được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng, như: Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng, đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

Ngoài ra, những hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng đã góp phần thức tỉnh và lôi cuốn được nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, Đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước.

Rạng sáng 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. 

Sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Đến đầu năm 1934, đồng chí được phân công trực tiếp phụ trách Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1938, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương.

Ngày 8/9/1939, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11/1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng với đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá I). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *