Đồng hành cùng ngành Thủy sản “thời COVID”

Tiềm năng cũng là thách thức

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, với khoảng 302.000ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm của Cà Mau đạt trên 300 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản còn là nguồn sinh kế cho hàng ngàn hộ dân và tạo nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thủy sản và các ngành thương mại, dịch vụ.

Theo Sở Công thương Cà Mau, năm 2019 sản lượng chế biến tôm ước đạt hơn 157.419 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.168 triệu USD, đạt 97% kế hoạch. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 thời gian gần đây và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau đang gặp khó khăn.

Thực hiện ý kiến của Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chỉ đạo về tình hình sản xuất hết sức kịp thời và nhanh chóng, mang lại hiệu quả nhất định, trong đó có việc đề nghị Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau phối hợp với các đơn vị thuộc Sở có giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp ở địa phương. Đồng thời, nắm tình hình biến động giá cả các sản phẩm nông nghiệp có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khẩn trương báo cáo về Sở để tổng hợp báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Định kỳ thứ 2 hằng tuần, Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP. Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các chi cục chuyên ngành, thuộc Sở NN&PTNT, để tổng hợp theo lĩnh vực.

Do đầu năm các DN mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương. Nguy cơ bị hủy các đơn hàng (do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh) sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hóa tồn kho đối với DN trong nước. Điều này sẽ tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hết mình vì ngành kinh tế thủy sản.

Từ sự chủ động…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch COVID-19 để kịp thời thông tin đến các DN trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Công ty Điện lực Cà Mau gia hạn thời gian thanh toán tiền điện của DN từ 7 ngày lên 15 ngày và sau 2 lần thông báo kể từ lần thông báo đầu tiên, không áp dụng tính lãi suất chậm trả nếu các DN thanh toán tiền điện theo đúng thời gian thỏa thuận với ngành Điện (chỉ áp dụng giải pháp hỗ trợ nêu trên cho các DN có giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có tỷ trọng chiếm từ 30% trở lên so với tổng kim ngạch xuất khẩu của từng DN, sau khi có văn bản đề nghị hỗ trợ của DN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ, không xuất được hàng hóa do tình hình cấm biên; đồng thời, phải mua nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản của nông dân nên hàng sẽ tồn kho còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại khó khăn của DN và người dân: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo ghi nhận, phần lớn dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan tỏa đến các thị trường lân cận, tác động xấu đến các DN xuất khẩu của tỉnh: Nguy cơ bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh dẫn đến các DN gặp khó khăn về tài chính, tồn kho hàng hóa… dẫn đến việc giảm sản lượng thu mua nguyên liệu tôm, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm, nhất là giá thành giảm.

Thời điểm hiện nay, việc nuôi tôm của người dân được tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

…Đến sự bền vững

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh (TC,STC) và xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020. Theo đó, nội dung và biện pháp thực hiện của kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với những hộ nuôi TC,STC và những hộ có điều kiện nuôi theo từng địa bàn để tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến nông… để đăng ký nuôi TC,STC trong năm 2020; tiến hành rà soát thống kê, phân loại diện tích nuôi TC, STC hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ…

Thông qua đó, nhằm rà soát, củng cố nâng cao hiệu quả diện tích nuôi tôm TC,STC hiện có trong toàn tỉnh để có biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất; rà soát nhu cầu phát triển nuôi tôm TC,STC của các DN, tổ chức, cá nhân để có biện pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả trong năm 2020 và những năm tiếp theo; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát động, hỗ trợ DN và người dân phát triển nuôi tôm TC,STC tập trung quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi sản phẩm; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững; phát triển nuôi tôm TC,STC theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là DN, ngân hàng vào phát triển nuôi tôm TC,STC, gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân, DN và nền kinh tế của tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau, ông Trần Hoàng Khởi: “Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các DN nắm lại tình hình cụ thể, để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các DN giảm mức lãi suất thanh toán cho một số DN thủy sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID-19”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *