Đồng hành cùng quê hương thứ hai

Sông Đốc tụ hội nhiều dân tộc anh em của mọi miền đất nước về đây sinh sống. Số người thành công trên quê hương này chiếm con số khá cao. Từ thành công của gia đình, các hộ đóng góp rất nhiều cho địa phương trong an sinh xã hội”, ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đánh giá.

Anh Đặng Lợi (trái) ân cần, hướng dẫn người lao động trong từng khâu để cho sản phẩm hoàn thiện.

HẬU DUỆ CỦA ÔNG “HUẾ BỤNG”

Anh Đặng Lợi sinh ra và lớn lên ở miệt Sông Đốc, nhưng quê gốc thật sự của anh là ở Bình Định. Năm 1958, cha anh – ông Đặng Đốc đưa gia đình vào Nam và chọn Cà Mau làm quê hương thứ hai để sinh sống. Không đất, thiếu tiền nên công việc chính là làm thuê. Vốn tính cần mẫn, siêng học hỏi, công việc nào ông cũng biết. Thời ấy, thiên nhiên ưu đãi tôm cá đầy ghe, hải sản vô số nên các loại cá con chỉ là thứ “bỏ đi”, thấy vậy ông mua về làm nước mắm và tạo thương hiệu nước mắm cá cơm đầu tiên trên vùng đất Cà Mau và lấy biệt danh “Huế Bụng” làm thương hiệu.

Trải qua những gian nan, 4 người con của ông “Huế Bụng” được học hành đến nơi đến chốn. Anh Lợi nhớ: “Thời đó khó khăn, nhưng cha tôi có tư tưởng rất tiến bộ, ông nói chỉ có học thức mới mong thay đổi được cuộc đời nên dù cuộc sống vất vả, song ông vẫn lo cho anh em tôi học hành”. Không phụ lòng mong mỏi của cha, 4 người con đều thành đạt, có cơ ngơi vững chắc; người con thứ 3, anh Đặng Tâm là Tiến sĩ Y khoa, người con thứ 2 là anh Đặng Thành theo nghề gia truyền kinh doanh hãng nước mắm, còn anh Đặng Lợi theo học ngành Cơ khí và hiện nay anh là chủ Doanh nghiệp tư nhân Đặng Lợi chuyên cung cấp thiết bị chế biến bột cá.

Từ sáng kiến trong quá trình làm việc, năm 2003 anh Đặng Lợi cho ra đời máy xay bột cá đầu tiên. Với bản tính cần cù, nhạy bén trong nắm bắt thị trường và luôn đặt chữ “tín” làm đầu nên việc kinh doanh nhanh chóng ổn định và ngày càng phát triển. Chỉ sau 3 năm kể từ ngày thành lập, anh đã đăng ký được thương hiệu sản phẩm với Cục Sở hữu trí tuệ. Với phương châm “uy tín, chất lượng, phục vụ tận tình”, doanh nghiệp của anh Lợi không ngừng phát triển và trở thành nhà phân phối có uy tín đối với người sản xuất.

Anh Đoàn Văn Túc ngày càng yêu và gắn bó máu thịt với đất Cà Mau, với quê hương Sông Đốc.

Qua 13 năm phát triển, giờ đây khắp các cửa biển trên cả nước đều có mặt máy xay bột cá của Doanh nghiệp tư nhân Đặng Lợi. Từ vốn chỉ có 100 triệu đồng giờ lên đến trên 14 tỷ đồng, hằng ngày xưởng máy có hơn 50 công nhân làm việc. Doanh nghiệp của anh là doanh nghiệp đầu tiên ở Sông Đốc thành lập Công đoàn, hoạt động vì lợi ích của công nhân. Hằng năm anh Lợi đều xét hỗ trợ xây nhà cho công nhân, hỗ trợ giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

NGƯỜI THÍCH LÀM TỪ THIỆN

Quê gốc ở Ninh Bình, năm 1980 gia đình anh Đoàn Văn Túc vào Nam lập nghiệp. Trải qua nhiều nghề, làm lụng vất vả, tích lũy, cần kiệm, gia đình anh hiện vào hàng khá giả. “Những năm đầu trên vùng đất mới, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhờ những người dân nơi đây nghĩa tình, đùm bọc, cưu mang mà gia đình tôi có được như ngày hôm nay”, anh Túc bộc bạch.

Hiểu lợi thế địa hình vùng nước mặn của đất Sông Đốc, bà con sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm, anh Đoàn Văn Túc lặn lội lên tận Nha Trang để mua con giống về lai tạo, song, nhiều lần thất bại khi tôm không sống được với vùng đất này. Không nản chí, anh Túc tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm và đến năm 1998 anh thành công với mẻ giống đầu tiên, lợi nhuận trên 55 triệu đồng sau khi trừ chi phí, đánh dấu bước khởi nghiệp đầu tiên. Đến năm 2011, anh mạnh dạn mở thêm 11 chi nhánh sản xuất giống tôm, cua cung ứng cho thị trường. Được bà con tin tưởng, ủng hộ, hiện tổng số trại sản xuất của anh đã lên đến 24, trong đó có 4 trang trại ở tỉnh Kiên Giang.

Từng trải qua khó khăn nên anh Túc đồng cảm và chia sẻ khó khăn với người nghèo. Anh thường xuyên chung tay cùng chính quyền địa phương giúp đỡ người nghèo, những cảnh đời kém may mắn, tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định. Tính từ năm 2007 đến nay, anh đã dành trên 300 triệu đồng giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi, cất 8 căn Nhà tình thương, đóng góp hơn 500 triệu đồng để làm cầu, lộ giao thông nông thôn. Ngoài ra, một điểm đáng trân quý ở anh là hành động xóa nợ cho hơn 50 hộ nuôi trồng thủy sản mua con giống của cơ sở anh nhưng bị thất mùa không có tiền hoàn trả. Song song đó, hàng năm anh còn tài trợ cho các xã lân cận và tỉnh bạn hơn 10.000 con post.

Dù nhận rất nhiều bằng khen của tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ, nhưng anh Đoàn Văn Túc vẫn từ tốn và xem việc làm từ thiện như một “cái nghiệp”, là việc làm có “lời”, mà theo anh chia sẻ, cái “lời” đó chính là tích được đức cho đời sau. Mỗi khi trao quà cho người nghèo, anh cảm thấy mình được nhận lại niềm hạnh phúc.

Là đảng viên được phân công hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, với tâm niệm “trao cần câu chứ không trao con cá”, trong những năm qua, anh Túc đã giúp được nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Anh chia sẻ: “Không chỉ giúp cho những hộ mình được phân công, mà tôi còn hỗ trợ cho những hộ trên địa bàn ấp không có điều kiện phát triển, bằng nhiều hình thức. Mình làm vì cái tâm chứ không vì trách nhiệm”.

Như lời nhận xét trân trọng của ông Lâm Văn Phú: Những việc làm của anh Túc, anh Lợi như những hạt phù sa nuôi dưỡng bãi bồi, góp sức cho mảnh đất cuối trời của Tổ quốc vươn mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *