Du lịch Cà Mau Bứt phá từ Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất

* Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho chuỗi các hoạt động trong sự kiện này đã được thực hiện đến đâu?

Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở VH,TT&DL: Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho các hoạt động diễn ra trong Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019 đã cơ bản hoàn thành. Sở VH,TT&DL đã chỉ đạo cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ phục vụ Tuần Văn hóa – Du lịch. Theo đó, chỉ đạo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau tăng cường công tác chỉnh trang, vệ sinh và chỉnh trang toàn khu Công viên Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau, đảm bảo hoàn thành các công trình phụ và các sản phẩm du lịch mới trước ngày 2/12/2019.

Ngoài ra, các công trình: Cột cờ Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào phục vụ du khách sau khi tổ chức Lễ khánh thành. Hệ thống đường giao thông, đường xe điện, hệ thống âm thanh, ánh sáng – mỹ thuật và một số hạng mục phụ khác đã cơ bản hoàn thành và có thể phục vụ du khách trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019.

Bạt ngàn rừng ngập ở Đất Mũi.

Chiến lược phát triển trở thành Khu du lịch Quốc gia

* Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019 là cơ hội để kinh tế du lịch – ngành công nghiệp không khói của địa phương tạo nên cột mốc quan trọng, hướng đến mang tầm cỡ quốc gia. Thưa ông, định hướng phát triển ngành Du lịch Cà Mau tới đây sẽ hướng vào trọng tâm, trọng điểm nào?

Ông Trần Hiếu Hùng: Tỉnh Cà Mau đã xác định những chiến lược phát triển du lịch dài hạn, trọng tâm là phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau và phụ cận đến năm 2025 là một trong những trung tâm du lịch sinh thái trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan vùng ĐBSCL. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau và phụ cận đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Cụ thể, định hướng thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Song song đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện các chính sách, quy định ưu tiên trong hỗ trợ phát triển du lịch. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, quy hoạch các khu du lịch trọng điểm của tỉnh phù hợp tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước và mở rộng thị trường du lịch quốc tế, nhằm huy động nguồn lực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau trong và ngoài nước. Đặc biệt, tích cực xúc tiến, mời gọi đầu tư, tìm kiếm những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm để phát triển các khu dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải trí hiện đại, phát triển du lịch biển đảo…

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh: Sinh thái, cộng đồng, rừng, biển đảo, gắn với hệ thống sản phẩm du lịch từ nông nghiệp (thủy, hải sản), làng nghề truyền thống… trên cơ sở đảm bảo yếu tố không trùng lắp các tỉnh trong khu vực, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo định hướng. Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau với điểm đến cực Nam và văn hóa đặc trưng vùng sông nước, góp phần phát triển du lịch bền vững. Thực hiện tốt chính sách kích cầu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch đến Cà Mau. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn khách du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Cùng chung tay, góp sức phát triển ngành kinh tế mũi nhọn

* Theo ông, ngoài những yếu tố về địa lý, điều kiện tự nhiên, du lịch Cà Mau dựa vào đâu để bứt phá và từ đó hội nhập?

Ông Trần Hiếu Hùng: Ngoài nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, nguồn tài nguyên nhân văn hết sức đặc trưng với nét văn hóa bản địa đặc sắc, du lịch Cà Mau còn có những cơ hội để phát huy và hội nhập với du lịch Việt Nam và thế giới. Cụ thể, ngành Du lịch Cà Mau đang phát triển, thu hút được sự quan tâm của chính quyền các cấp và toàn xã hội. Ngày 18/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 10/10/2016 về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 50-KH/TU thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 14/4/2017 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy… Qua đó cho thấy Cà Mau luôn khẳng định vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của tỉnh.

Các loại hình du lịch ngày càng đa dạng hóa và phát triển hơn. Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống: Tham quan Đất Mũi, du lịch sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm, tham quan di tích… hiện nay, các loại hình du lịch: Du lịch cộng đồng, MICE, du lịch môi trường, du lịch chuyên đề… đang được giới du lịch ưa thích và Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình này. Hiện tại, Cà Mau cũng đang tập trung phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khám phá; phát triển du lịch biển đảo và các loại hình du lịch trải nghiệm gắn với biển, đảo.

Về sự tăng cường đầu tư về du lịch, cùng với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, du lịch Cà Mau đã được đầu tư, xây dựng các công trình, dịch vụ cao cấp: Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Điểm du lịch sinh thái Thư Duy, Khách sạn Phú Cường, cùng nhiều dự án đầu tư khác. Hiện Cà Mau cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đặt vấn đề về đầu tư du lịch: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC… Những sự quan tâm đầu tư này góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với Cà Mau.

Hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng của Cà Mau đang được hoàn thiện, mở rộng, giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo một phần tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch chính. Tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi và tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam hoàn thành cũng góp phần quan trọng cho việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế. Ngoài ra, Cà Mau cũng là một trong 3 tỉnh, thành tại ĐBSCL có đường hàng không. Sân bay Cà Mau với tuyến bay TP. Cà Mau – TP. Hồ Chí Minh khởi hành hàng ngày, dễ dàng kết nối và thu hút khách du lịch đến từ nhiều thị trường thông qua TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, mời gọi, hợp tác đầu tư phát triển hệ thống đường bay ngắn kết nối Cà Mau – Phú Quốc – Côn Đảo – Đà Lạt và các khu du lịch trọng điểm quốc gia trong tầm bay ngắn.

* Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *