Du lịch Cà Mau còn đang “ngái ngủ”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo.

Cà Mau được đánh giá là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hai hệ sinh thái rừng mặn ngọt và rừng đước ngập mặn đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Ngoài ra, Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở cực Nam Tổ quốc, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế, du lịch Cà Mau cũng nằm trong xu thế chung, đang từng ngày vươn xa hơn để giới thiệu với du khách những bức tranh hài hòa, sinh động của thiên nhiên, những tiềm năng độc đáo của rừng và biển…

Giám đốc Sở VH,TT&DL;, ông Trần Hiếu Hùng: “Bên cạnh những thuận lợi thì du lịch Cà Mau vẫn còn nhiều thách thức: Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển còn hạn chế; chưa phát huy giá trị các di tích lịch sử, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng gắn với phát triển du lịch; việc quảng bá, giới thiệu du lịch của tỉnh chậm đổi mới phương pháp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh… Tỉnh cần cần mở ra nhiều cơ hội đầu tư dự án về du lịch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới theo hướng bền vững”.

Ngoài ra, nhiều đại biểu trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.

Đại diện Công ty du lịch Vietravel: “Sản phẩm du lịch, các điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn. Công tác quy hoạch và tổ chức sản phẩm du lịch của tỉnh còn khá manh mún, từ đó dẫn đến việc không xác định được lợi thế đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư tốt, cũng như kiểm soát tốt các sản phẩm. Bên cạnh đó, Cà Mau chưa tạo được dấu ấn du lịch, chưa có cái “riêng” cho du lịch Cà Mau, cảnh quan chưa được đầu tư đúng mức, du lịch cộng đồng chưa thu hút được nhiều du khách do ảnh hưởng về vệ sinh môi trường và hệ sinh thái…”.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Lưu Minh Quốc kiến nghị: Thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, làng nghề; đẩy mạnh liên kết với các sở, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục giữ vững chất lượng các sản phẩm đặc trưng để níu chân du khách. Thông qua đó, nhằm giới thiệu du lịch của tỉnh đến được du khách trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho rằng Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch. Ngoài du lịch Mũi Cà Mau, tỉnh quan tâm phát triển nhiều điểm du lịch khác như Vườn Quốc gia U Minh Hạ, khu du lịch Mười Ngọt… Dù giàu tiềm năng nhưng du lịch Cà Mau hiện còn đang “ngái ngủ”, chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Qua khảo sát thực tế, Cà Mau hiện chưa xây dựng được Hiệp hội Du lịch riêng cho tỉnh nên hoạt động du lịch của tỉnh còn rời rạc, chưa có sự kết nối, hỗ trợ nhau.

Các ban, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo cho các địa phương làm tốt khâu bảo vệ môi trường là điều tiên quyết trong phát triển du lịch. Nếu không làm tốt được nội dung này, thì dù Cà Mau có đẹp cỡ nào thì cũng xấu đi trong lòng du khách. Khắc phục ngay thái độ ứng xử, giao tiếp không đúng chuẩn mực, thiếu chuyên nghiệp đối với du khách tại một số điểm du lịch.

Ông Trần Hồng Quân chỉ đạo Sở VH,TT&DL; thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất thành lập hiệp hội du lịch. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn hướng dẫn viên du lịch nắm kỹ lịch sử, con người của vùng đất Cà Mau. Mở nhiều lớp tập huấn du lịch cho các hộ làm du lịch cộng đồng, phải thực sự là du lịch, tránh tình trạng nửa vời. Chính vì không chuyên nghiệp nên dù có phát triển nhưng du lịch Cà Mau vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu. Thành lập những tour, tuyến rõ ràng, phong phú đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Sở VH,TT&DL; cần xúc tiến thành lập trang web riêng để quảng bá du lịch Cà Mau trong thời gian tới, làm phong phú hơn các điểm du lịch, tránh tình trạng làm cho có như trong thời gian qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *