Du lịch Cà Mau:Khi nào phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế?

Đến nay, Cà Mau xác định có ba tuyến du lịch chính, gồm: Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh Hạ – Hòn Đá Bạc; Cà Mau – Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau – Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – Khu du lịch Đất Mũi. Đường bộ phát triển và kết nối, cùng với sự hình thành của 4 khu du lịch, 14 điểm du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút ngày càng đông lượng khách tham quan, khám phá. Từ đó, doanh thu du lịch tăng bình quân 30%; năm 2018, doanh thu ước đạt 2.200 tỷ đồng.

Dự kiến trong tháng 9 tới sẽ khánh thành công trình phiên bản Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi ; cùng với đó sẽ xây dựng Đền thờ Lạc Long Quân, tượng mẹ Âu Cơ và Biểu tượng con cua Cà Mau. Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ là điểm đến trọng điểm của du khách trong nước và quốc tế.

Chỉ mới ở dạng “sơ khai”

Nêu lên hàng loạt những khó khăn, cản trở phát triển du lịch, dẫn đến chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế, mà chỉ mới hình thành ở dạng còn sơ khai, ông Trần Hiếu Hùng dẫn chứng: Ngay như Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, điểm đặc biệt và thiêng liêng như thế, nhưng để tìm một nhà đầu tư đủ tầm, nhà đầu tư chiến lược thì chưa có, mà tỉnh thì không dám giao cho các nhà đầu tư nhỏ, dễ dẫn đến thực hiện một cách manh mún, khó kiểm soát theo quy hoạch. Du lịch ở Cà Mau hiện chỉ mới dừng ở dạng tham quan, thưởng thức ẩm thực, chưa có các hoạt động, khu vực để vui chơi. Mà vui chơi mới là nơi có thể khiến du khách xuất “hầu bao”.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, các địa phương trong tỉnh còn thiếu chủ động xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, thành lập hợp tác xã dịch vụ du lịch. Hạ tầng giao thông bộ đến các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo cho phương tiện vận chuyển khách du lịch của các công ty lữ hành tiếp cận, làm ảnh hưởng đến việc kết nối sản phẩm du lịch với du khách. Chưa có chính sách ưu đãi cụ thể trong đầu tư du lịch, từ đó chưa thu hút được các dự án du lịch trọng điểm, làm động lực phát triển du lịch. Lực lượng lao động ngành du lịch nhưng chưa qua đào tạo hiện chiếm trên 50%, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động du lịch tỉnh nhà.

Tuyến tham quan hệ sinh thái rừng ngập Mũi Cà Mau mở ra hướng phát triển mới cho du lịch Cà Mau.

Vì sao chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế?

Tại phiên họp giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực du lịch do HĐND tỉnh tổ chức trong tuần qua, nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến chất lượng dịch vụ, cách ứng xử, tổ chức hoạt động tại các khu, điểm du lịch. Theo đó, du lịch Cà Mau còn khá thô sơ, thiếu chuyên nghiệp, chưa tạo được dấu ấn, điểm nhấn để du khách ở lại và trở lại.

Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Phó ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh, nhận định việc đưa vào khai thác tại các điểm du lịch, kể cả các khu được xác định là trọng điểm, nhưng các điều kiện về hạ tầng vẫn chưa được hoàn thiện, đảm bảo, dù đã quy hoạch và triển khai thực hiện xây dựng từ rất lâu.

Liên quan đến “nút thắt” trên lĩnh vực đất đai, ông Tiến quan tâm đến sự hình thành các điểm kết nối; sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng, gắn với đó là tạo việc làm từ du lịch, người dân hưởng lợi từ du lịch tại chỗ…

Cho rằng du lịch Cà Mau chỉ mới “khai sáng” khoảng 3 năm nay, nhất là khi có đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân nhìn nhận tiềm năng của tỉnh nhiều, nhưng về mặt vị trí địa lý thì quá xa, thời gian di chuyển kéo dài, nên khó lòng thu hút được du khách. Phần lớn du khách đến một lần cho biết, tham quan xong rồi về. Đặc thù du lịch địa phương chủ yếu dựa vào đất rừng sinh thái, “đụng” tới là đất của Vườn Quốc gia, nên rất khó có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược.

So sánh với tỉnh Trat của Vương quốc Thái Lan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân cho rằng địa phương ở nước bạn lợi thế về tiềm năng từ điều kiện tự nhiên không bằng, khoảng cách khá xa, nhưng họ vẫn làm và khách vẫn đến. Tại sao vậy? Vì họ có nhiều sáng tạo. Ngay cả lá đước non, họ cũng chế biến thành món ẩm thực, rất thú vị. “Cán bộ mình thì cũng đã tham gia lớp học về phát triển du lịch tại Hàn Quốc, cũng đi học tập kinh nghiệm tại nhiều nơi, nhưng sự giúp đỡ, sáng tạo cho phát triển du lịch tại địa phương không nhiều. Sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được ấn tượng”, ông Quân đánh giá.

Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Hiện cho rằng, những tồn tại, khó khăn trong phát triển du lịch của tỉnh ai cũng thấy, cũng biết, nhưng tháo gỡ bằng cách nào, từ đâu thì vẫn là câu chuyện dài. Tới đây, tỉnh sẽ tiến hành sơ kết Nghị quyết 04/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến 2030. Từ đó, làm cơ sở chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Riêng đối với HĐND tỉnh, dự kiến tại kỳ họp cuối năm nay sẽ ban hành nghị quyết, thực hiện các vấn đề liên quan, tháo gỡ và tạo điều kiện cho du lịch tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *