Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Kỳ 11: Phát triển du lịch Mũi Cà Mau gắn với văn hóa, thiên nhiên

Tiểu cảnh mũi Cà Mau – kiến trúc văn hóa đặc trưng vùng đất mũi.

Theo đó, điểm nhấn quan trọng trong phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau là phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc; đồng thời khai thác giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng Mũi Cà Mau: Khu di tích lịch sử Quốc gia Cụm đảo Hòn Khoai, Nam Hải Phật đài Khai Long, các công trình kiến trúc nghệ thuật tiểu cảnh mũi Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội, bãi bồi…

Nam Hải phật đài Khai Long.

Bên cạnh những khu, điểm đến tham quan quen thuộc, thời gian qua, ngành Du lịch Cà Mau nói chung, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau nói riêng đã tập trung vào việc đa dạng sản phẩm du lịch; trong đó, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa cao: Biểu diễn phục vụ đờn ca tài tử; xây dựng nét văn hóa ẩm thực từ các loài thủy, hải sản đặc sản mang thương hiệu vùng Đất Mũi (cua biển, cá thòi lòi, tôm khô, cá khoai…); các tuyến trải nghiệm xuyên rừng…. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo mang tính đặc thù, thể hiện đậm nét văn hóa ẩm thực vùng cực Nam Tổ quốc. Hiện nay, du lịch mũi Cà Mau đang từng bước củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng homestay tại các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Đất Mũi.

Xây dựng nét văn hóa ẩm thực từ các loài thủy, hải sản đặc sản mang thương hiệu vùng đất mũi Cà Mau.

Một tín hiệu khả quan của ngành Du lịch Cà Mau trong năm 2018, lượng du khách đến với các điểm di tích lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng homestay thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau trên 1,4 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế hơn 26 ngàn lượt, doanh thu đạt hơn 2.200 tỷ đồng.

Điểm thuận lợi nhất là giao thông đến các khu, điểm du lịch gắn với văn hóa, thiên nhiên sinh thái được kết nối thuận tiện. Đây chính là cơ hội cùng hợp tác, khai thác, phát triển các tuyến, điểm du lịch với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đã hình thành các tuyến, điểm du lịch văn hóa kết hợp cùng du lịch sinh thái rừng, biển phục vụ khách du lịch.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Cụm đảo Hòn Khoai, điểm nổi bật trong phát triển du lịch mũi Cà Mau gắn với văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau – ông Trần Hiếu Hùng nhìn nhận: Bên cạnh việc phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử, sinh thái, môi trường… Du lịch Cà Mau còn nhiều khó khăn, thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp; các sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, chưa có sức hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế… Do cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ.

Công trình kiến trúc nghệ thuật tiểu cảnh mũi Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh tại Khu du lịch Mũi Cà Mau.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, phát triển Khu du lịch Mũi Cà Mau thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, gắn với văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái rừng, biển rất phong phú; là điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch Quốc gia. Trước hết, ngành Du lịch Cà Mau tập trung phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch… trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử, di tích, danh thắng của tỉnh để phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng… Triển khai, thực hiện tốt quy hoạch các khu, điểm du lịch đã được Thủ tướng và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nâng cấp, phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách đến Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch; tăng cường công tác hợp tác, liên kết đối ngoại khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững; tiếp tục liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực kết nối tour tuyến, nhằm khai thác và phát triển sản phẩm du lịch mới, đáp ứng phục vụ du khách…

Trước chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, du lịch Cà Mau xác định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đòi hỏi sự phấn đấu của toàn ngành và sự phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp, để du lịch Cà Mau khẳng định vị thế trong khu vực và cả nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *