Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Kỳ 29: Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ: Tiềm năng du lịch về nguồn của Cà Mau

Tượng đài kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng, chính diện có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm giữa ngôi sao Tổ quốc.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, nước ta đã cho lưu hành tờ bạc Việt Nam trong cả nước. Chỉ hơn một tháng, ngày 19/12/1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ta đã có đồng bạc lưu hành khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành một vũ khí sắc bén trên mọi mặt phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Đường nét và hình vẽ trên mỗi tờ bạc đơn sơ, giản dị nhưng vẫn phản ánh được khí thế quyết tâm của quân và dân ta trong sản xuất và chiến đấu. Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh được đưa vào tất cả các mẫu tiền nên cũng được nhân dân gọi là giấy bạc Cụ Hồ.

Trong quần thể di tích có công trình bia ghi danh 59 liệt sĩ là những người con của xã Hàm Rồng đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến.Nhà trưng bày các hình ảnh, hiện vật về chặng đường của Ban Ấn loát Nam Bộ gắn liền với chiến khu U Minh và rừng đước Năm Căn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, ông Trần Hiếu Hùng: “Cùng với thế mạnh du lịch sinh thái, Cà Mau có 12 di tích quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh được công nhận. Mỗi di tích đều có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, phản ánh dấu ấn quan trọng trong quá trình khai hoang mở cõi, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Cà Mau anh hùng. Tiềm năng khai thác du lịch của di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ sẽ làm phong phú hệ thống các công trình văn hóa – lịch sử phục vụ du lịch của tỉnh. Với vị trí thuận lợi nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh: TP. Cà Mau – Năm Căn – Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ có nhiều tiềm năng đưa vào chương trình du lịch về nguồn, tham quan, tìm hiểu lịch sử của tỉnh…”.

Tuy nhiên, Nam Bộ lại cách xa Trung ương, mà cuộc kháng chiến còn trường kỳ, sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa… Ngày 1/11/1947, Chủ tịch Hồ chí Minh ra Sắc lệnh 102/SL thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại vùng bưng biền Đồng Tháp Mười thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Là một cơ sở in dã chiến, mọi thứ còn nghèo nàn, dù vậy, ta cũng sản xuất được những tờ giấy bạc Cụ Hồ đầu tiên ở Nam Bộ với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng… Năm 1948, do yêu cầu của kháng chiến, Ban Ấn loát tách một bộ phận là Phân ban B, dời đến địa điểm mới là rừng U Minh để đảm bảo an toàn, bí mật. Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng, Phân ban B dời đến xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn). Đầu năm 1954, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chủ trương in và phát hành giấy bạc 200 đồng và 500 đồng. Đến giữa năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cho nên giấy bạc 200 đồng đã in xong nhưng chưa kịp phát hành, còn giấy bạc 500 đồng vẫn còn nằm trên bản vẽ.

Nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử, năm 2001, Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được xây dựng tại xã Hàm Rồng. Năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ – Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955) tỉnh Cà Mau, bao gồm 25 địa điểm, trong đó có Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *