Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Kỳ 42: Những cung đường đến danh thắng hòn Đá Bạc

Một góc xóm Kinh Hòn.

Từ TP. Cà Mau, du khách có hai sự lựa chọn để bắt đầu chuyến hành trình du lịch trải nghiệm con đường xanh đến hòn Đá Bạc. Tuyến thứ nhất đi theo Quốc lộ 1A (khoảng 26km) đến địa phận xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước) rẽ phải theo tuyến liên huyện xuống thị trấn Trần Văn Thời; từ đây, du khách theo hướng Trần Hợi – Cơi 5 khoảng hơn 20km là đến hòn Đá Bạc. Tuyến thứ hai, du khách đi Cà Mau – Tắc Thủ – Vồ Dơi – hòn Đá Bạc. Dù đi bằng phương tiện gì, bạn cũng nên trang bị cho mình một đôi giày thật kín và bền để đảm bảo an toàn cho đôi chân không bị trầy xước khi leo hòn hoặc một đôi xăng-đan có độ bám tốt và thoáng để dễ dàng di chuyển.

Làng nghề ruốc khô xóm Kinh Hòn

Hai cung đường xanh này đẹp, thơ mộng với đồng lúa, vườn cây ăn trái, rừng tràm ngút ngàn, với hoa màu, trái ngọt… Nếu du khách khám phá tuyến Trần Hợi – Cơi 5, đừng quên tham quan làng nghề truyền thống làm khô cá bổi thị trấn Trần Văn Thời, xã Khánh Bình Tây… và làng nghề ép chuối khô xã Trần Hợi. Đây là những sản vật mang thương hiệu tập thể, được người dân địa phương làm ra, nổi tiếng nhất vùng. Còn đi tuyến Tắc Thủ – Vồ Dơi, du khách nên ghé Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đứng trên vọng lâm đài có thể quan sát được toàn khu vực rừng tràm U Minh và “vương quốc chuối” ẩn hiện trong rừng xanh vô tận. Qua khỏi địa phận Vồ Dơi, là Nông trường Minh Hà và Nông trường 402 rộng lớn, nơi đây không chỉ là vựa lúa của Cà Mau mà còn là “vương quốc” rau màu và nhiều đặc sản hệ sinh thái ngọt: Cá đồng, lươn, rùa, rắn nổi tiếng của vùng U Minh Hạ…

Sản vật xứ biển Đá Bạc.

Hòn Đá Bạc – chốn tiên cảnh của Cà Mau, có diện tích khoảng 6,43ha, là một cụm đảo đẹp bao gồm hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc, có niên đại khoảng 180 triệu năm. Cụm hòn thứ nhất ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh, dưới chân hòn là những hòn đá lẻ xếp thành bãi lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu rọi; kế tiếp là hòn Đá Trụi sừng sững xếp chồng lên nhau hòa quyện cùng sóng biển, đua nhau xô bờ. Cụm thứ hai lại sở hữu vẻ đẹp của chốn tiên cảnh với sân tiên, giếng tiên, bàn chân tiên, bàn tay năm ngón bằng đá… Không chỉ mang những nét chấm phá thiên nhiên vô cùng kì diệu, hòn Đá Bạc còn mang những giá trị tâm linh của người dân miền biển. Trên hòn có Lăng Ông Nam Hải thờ bộ xương Cá Voi lớn nhất vùng.

Làng nghề khô cá bổi nổi tiếng ấp Đá Bạc A, thu hút rất nhiều du khách.Hòn Đá Bạc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 22/6/2009.

Không những thế, hòn Đá Bạc còn là nơi ghi dấu ấn những trang sử hào hùng của ngành An ninh Việt Nam; là Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM-12 (9/9/1981- 9/9/1984) chống lại bọn phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng Bia kỷ niệm chiến tích của quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng, Bảo tàng Công an nhân dân, Tượng đài chiến thắng “Kế hoạch CM-12” và Nhà truyền thống… Nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 22/6/2009.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *