Đưa thuốc đông y và dược liệu vào danh mục thuốc Bảo hiểm y tế

Một số loại dược liệu được trồng để sử dụng khi cần thiết tại Đồn Biên phòng Hòn Khoai.

Báo cáo về phát triển dược liệu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nước ta có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc.

Theo kết quả điều tra năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó, gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu: Quế, hồi, hòe, nghệ, atiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dược liệu nuôi trồng trong nước, nhưng đến nay, việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương, vẫn chưa chủ động, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, khó khăn trong quá trình hội nhập…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp phát triển ngành dược liệu: Tăng cường đưa thuốc đông y và dược liệu vào danh mục thuốc Bảo hiểm y tế; quy hoạch vùng nuôi trồng gắn với việc bảo tồn những giống dược liệu quý; áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng dược liệu; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất và chế biến sản phẩm dược liệu; xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu quốc gia; đào tạo, tập huấn người dân nuôi trồng dược liệu để đảm bảo chất lượng.

Các doanh nghiệp và địa phương cũng đề xuất: Cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng; xây dựng các trung tâm nghiên cứu dược liệu, nhà máy chế biến dược liệu ở các vùng trọng điểm có nhiều dược liệu quý…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam có truyền thống quý báu trong y học cổ truyền và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra đường lối chung là phát triển y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền. Đất nước ta có trên 5.000 cây thuốc quý, nhiều loại dược liệu và sinh vật khác nhau, có thể làm nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành dược liệu Việt Nam; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm về dược liệu; có chính sách hỗ trợ, công nhận các bài thuốc cổ truyền, lựa chọn một số dược liệu có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển như sản phẩm của quốc gia.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân, cộng đồng có kiến thức về sử dụng dược liệu chữa bệnh, phát triển dược liệu Việt Nam; quảng bá sản phẩm dược liệu, xây dựng thương hiệu dược liệu quốc gia.

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến cán bộ làm công tác dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực ngành dược liệu tại các trường đại học, cao đẳng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *