“EVFTA, EVIPA – Cơ hội, thách thức và giải pháp thực thi hiệu quả”

Tại Hội nghị, đại biểu được các chuyên gia đến từ VCCI và Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh giới thiệu và phân tích tổng quan tác động của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; lợi ích của nền kinh tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; vai trò của chính quyền và lãnh đạo địa phương trong việc triển khai hiệp định; đề xuất các giải pháp thực thi có hiệu quả các hiệp định…

Theo đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020. Liên minh châu Âu (EU) cam kết xóa bỏ 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu vào EU; sau 7 năm, xóa bỏ 99,2% dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu. Đối với Việt Nam, sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 48,5% dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu từ EU; sau 10 năm, xóa 98,3% dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), được tách ra từ EVFTA, ban đầu được tách ra do yêu cầu của Tòa án công lý châu Âu. Hiệp định nhằm mục đích bảo đảm an toàn vốn và tài sản của nhà đầu tư từ EU, như: Đối xử công bằng, bảo hộ đầy đủ, được tự do chuyển vốn đầu tư và lợi nhuận ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng.

Hai hiệp định này đã và đang mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng, nhất là các ngành hàng thế mạnh của địa phương. Theo đó,  khi tham gia EVFTA, sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% trong năm 2020 và tăng 42,75% vào năm 2025; GDP tăng từ 2,18 – 3,25%/năm giai đoạn 2019 – 2023.

Các chuyên gia cũng dự báo, các ngành hàng tăng trưởng sang EU vào năm 2025,  gồm: Gạo tăng 65%, đường 8%, thịt heo 4%, thịt gia cầm 4%, lâm sản 3%, may mặc 81%.

Sau đại dịch COVID-19, thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là cơ hội lớn để Việt Nam phục hồi xuất khẩu, nhưng phải cơ cấu lại mặt hàng và thị trường; các mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu hơn các ngành nghề dệt may, da giày…

Đối với địa phương, các chuyên gia yêu cầu lãnh đạo địa phương phải tích cực phổ biến thông tin giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của các hiệp định; nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng kết nối các chuỗi giá trị và tăng cường khả năng xuất khẩu; thúc đẩy hợp tác cấp địa phương trong nước, khu vực; nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *