Gần 100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý theo Nghị định 100

Tính từ ngày 1 – 7/1/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ trong tỉnh đã ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý 96 trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100.

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh: “Biến động trật tự ATGT có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa tốt. Dẫu rằng thời gian qua công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tích cực tham gia; lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông, đã tác động mạnh đến nhận thức và làm chuyển biến ý thức tự giác của phần đông người tham gia giao thông; tuy nhiên, không ít người vẫn còn cố tình vi phạm, dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, nguyên nhân do bia, rượu chiếm ở vị trí khá cao”.

Theo ông Bằng, để có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này, cần có cái nhìn và đánh giá một cách khách quan về nạn lạm dụng rượu, bia trong cuộc sống hiện nay. Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn, đa phần bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là nhận thức về việc sử dụng rượu, bia chưa được đề cao, mặc dù hậu quả do thói quen ấy đem đến là rất khó lường.

Để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ngày 30/12/2019 Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt. Nghị định này thay thế Nghị định 46/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, trong đó có nâng mức phạt người uống rượu, bia lái xe lên rất cao, cả về mức phạt tiền và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe.

Với mức xử phạt khá cao, tăng tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm giao thông khiến người dân phải cân nhắc, dè chừng đối với việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.

Thực tế hơn tuần qua, khi Luật có hiệu lực, đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Thanh Bằng đánh giá: “Theo khảo sát thực tế, một số địa điểm quán nhậu trên địa bàn TP. Cà Mau trước đây khá đông đúc, thì nay đã khá vắng, nhất là vào những ngày nghỉ. Để có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhiều cơ sở cũng đã triển khai một số dịch vụ đưa khách về nhà”.

Ghi nhận tại quán H.H ở Phường 5, để đảm bảo lượng khách ổn định trước sự “tác động” của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, quán đã triển khai chương trình “Tri ân khách hàng”. Theo đó, quán có bố trí lực lượng nhân viên phục vụ đưa khách về tận nhà sau khi ăn uống (có bia, rượu) tại quán. Dịch vụ này sẽ không tính phí trong nội ô TP. Cà Mau. Đối với các tuyến xa hơn, quán sẽ hỗ trợ khách thuê, sử dụng phương tiện công cộng để về đến nhà an toàn.

Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã tuần tra, kiểm soát và xử lý rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia. Tính từ ngày 1 – 7/1/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ trong tỉnh đã ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý 96 trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ra quyết định xử phạt với số tiền trên 100 triệu đồng.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Cà Mau), từ khi ra quân đến nay, lực lượng làm nhiệm vụ không phát hiện trường hợp nào chống đối, hay gây khó dễ cho người thi hành công vụ do vi phạm nồng độ cồn, đa số người dân chấp hành nghiêm quy định.

Thời gian tới, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn sẽ diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt đối với các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT: Đi sai làn đường, phần đường; tốc độ; tham gia giao thông khi đã có uống rượu, bia… nhằm góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn, giúp người dân vui xuân, đón tết an toàn, lành mạnh.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở; đối với người điều khiển xe mô tô bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ bị phạt từ 400 – 600 ngàn đồng. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *