Gần 3.000 lao động được khám bệnh nghề nghiệp

Cùng với cả nước, đây là năm thứ 2, Cà Mau phát động Tháng hành động về ATVSLĐ. Sau năm đầu tiên phát động, đã có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã tăng cường đầu tư máy, thiết bị, đổi mới công nghệ mới để cải thiện điều kiện lao động.

Năm 2017, Hội đồng ATVSLĐ của tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 17.000 lao động; khám bệnh nghề nghiệp cho gần 3.000 trường hợp lao động làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, với gần 6.000 mẫu đo, đã phát hiện 192 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh và đề nghị doanh nghiệp cải thiện kịp thời điều kiện làm việc, môi trường lao động.

Ông Thân Đức Hưởng (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh, tại buổi lễ.

Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp thành lập nhiều đoàn thăm hỏi, chia sẻ động viên những trường hợp người lao động và gia đình có người bị tai nạn lao động…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ATVSLĐ vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế: Nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thực sự nghiêm túc, ý thức chấp hành chưa cao; vẫn còn tâm lý chủ quan, chỉ chú trọng vào lợi nhuận trước mắt mà chưa thấy nguy cơ gây ảnh hưởng tiền của, sức khỏe và tính mạng người lao động.

Trên cơ sở chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng: Tỉnh xác định quan điểm xuyên suốt – Ở đâu có hoạt động lao động, sản xuất là ở đó có yêu cầu về đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, nhằm bảo vệ tính mạng con người, bảo vệ tài sản quốc gia và tài sản của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động tích cực tham gia Tháng hành động về ATVSLĐ, như: Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Tùy tình hình, các địa phương, đơn vị tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; huấn luyện thường xuyên các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; đưa công tác ATVSLĐ trở thành phong trào thi đua ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *