Gắn kinh tế tập thể với xây dựng nông thôn mới và OCOP

Số lượng HTX, Tổ hợp tác (THT) thành lập mới tăng hàng năm, đa dạng về loại hình ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 228 HTX, trong đó có 166 HTX nông nghiệp (chiếm 72,8%) và 62 HTX phi nông nghiệp (chiếm 27,2%). Tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 286 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế, những sản phẩm chủ lực tại các địa phương được liên kết sản xuất thông qua mô hình kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả toàn diện.

Hiệu quả khi tiến lên làm ăn theo hình thức kinh tế tập thể

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước), cho biết chỉ sau 7 năm tiến lên làm ăn theo hình thức kinh tế tập thể, đến nay, thành viên tăng 10 lần, vốn điều lệ tăng 1,5 lần và diện tích nuôi tôm cũng tăng 10 lần, trong đó đáng kể nhất là 40ha nuôi tôm thâm canh đạt tiêu chuẩn ASC. HTX đã ký hợp đồng mua vi sinh với Công ty Trúc Anh, mua con giống với Công ty Miền Trung VN, liên kết với Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thanh Đoàn để thực hiện nuôi tôm sạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định.

Không chỉ nuôi tôm, HTX Cái Bát còn thực hiện sản phẩm chả cá phi để thực hiện Chương trình OCOP 2020. Dù chưa được công nhận nhưng hiện tại sản phẩm chả cá phi của đơn vị đã có thị trường lớn lại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nữ địa phương. Năm 2021, đơn vị sẽ tiếp tục hình thành thêm sản phẩm mới là bánh phồng tôm để tham gia OCOP. “Đây là yếu tố để HTX tiến tới sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết hàng hóa, phát huy tiềm năng và giá trị sản phẩm địa phương trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, đồng thời khẳng định đến thời điểm này HTX đã có sự phát triển vững chắc như lộ trình mà Hội đồng quản trị đề ra, góp phần quan trọng trong gia tăng thu nhập cho nông dân, phấn đấu đưa xã Hòa Mỹ trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM nâng cao.

Kinh tế tập thể sẽ huy động được mọi nguồn lực cùng liên kết sản xuất, đủ sức tham gia vào các sân chơi lớn mang tính cạnh tranh, hội nhập toàn diện.

Cần tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và hành động

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã qua, phong trào kinh tế tập thể, HTX gắn với xây dựng NTM và triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được các HTX tích cực tham gia, quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng và chú trọng hơn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị các tài nguyên của địa phương, góp phần tích cực trong công tác xây dựng NTM. Việc tổ chức sản xuất bằng hình thức liên kết chặt chẽ hoặc có sản phẩm tham gia chương trình OCOP là tiêu chí bắt buộc, là điều kiện cần và đủ để trở thành xã NTM, NTM nâng cao, là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn. Theo ông Châu Công Bằng, đây là mối quan hệ hữu cơ, tương tác, hỗ trợ tích cực lẫn nhau.

Nhiều HTX nông nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương (OCOP) đã có sự liên kết chuỗi, các siêu thị, công ty, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường, có thể kể đến: HTX Kinh Dớn (huyện Trần Văn Thời), Ông Muộn (TP. Cà Mau), Lúa – Tôm (huyện Thới Bình)… Các HTX nông nghiệp đã góp phần đảm bảo tiêu chí nâng cao thu nhập, chuyển đổi hình thức sản xuất cho nông dân khu vực nông thôn.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Châu Công Bằng nhìn nhận hiện vẫn còn những hạn chế nhất định trong phát triển HTX gắn với xây dựng NTM và Chương trình OCOP. Việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí còn gặp không ít khó khăn, nhất là yêu cầu các xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định.

Trên cơ sở xác định liên kết 3 nội dung trên là trọng tâm, thiết thực, chiến lược nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn một cách toàn diện nhất, với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Thời gian tới, ông Châu Công Bằng cho rằng trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là những lợi ích mang lại cho các thành viên khi tham gia vào HTX, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và hành động của người dân, các cấp, các ngành về vai trò của kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trong xây dựng NTM và chương trình OCOP. Thực tế này được ông Trần Minh Huyện –  Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, phát biểu tại Đại hội Liên minh HTX, ngày 18/11 vừa qua), dẫn chứng trên địa bàn, khi vẫn còn một số HTX được hình thành do yêu cầu đạt tiêu chí xây dựng NTM, hoạt động chưa hiệu quả, chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tỉnh đang tập trung quyết liệt với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm hiện có của tỉnh; công nhận, chứng nhận ít nhất 10 sản phẩm từ 3 – 4 sao; phát triển, nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP      

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *