Giải Bông tràm chìa khóa mở cửa ước mơ

6 gương mặt xuất sắc của Giải Bông tràm lần VI.

Chung kết xếp hạng cuộc thi Tiếng hát Phát thanh – Truyền hình giọng ca cải lương Giải Bông tràm lần thứ VI vừa khép lại sau nhiều vòng tranh tài hấp dẫn, gay cấn. Thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi (SN 1998) Nguyễn Mỹ Duyên đến từ huyện Ngọc Hiển, đã đoạt giải Nhất và giải Hát về Cà Mau hay nhất. Em cho biết, từ lúc 3 tuổi em đã biết hát nhưng chỉ hát nhạc thôi, em có rất nhiều giải thưởng ở những cuộc thi Hoa phượng đỏ. Đây là lần đầu tiên thi ở thể loại này, giải thưởng là động lực để em tiếp tục theo đuổi, luyện rèn để vươn xa hơn trong những cuộc thi sắp tới.

Thí sinh Bùi Ngọc Thành (TP. Cần Thơ) có cách nhả chữ điêu luyện, tạo sự da diết, là em ruột của nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng, Chuông vàng vọng cổ năm 2010.

Huỳnh Thị Vis Phương đoạt giải Thí sinh diễn xuất hay nhất trong trích đoạn “Mẹ của chúng con”.

Thí sinh Huỳnh Thị Vis Phương đoạt giải Nhì và giải Diễn xuất hay nhất với trích đoạn “Mẹ của chúng con”. Phương cho biết trước đây đã 3 lần vào chung kết 1 của Giải Bông tràm nhưng lần này may mắn đã mỉm cười. Chị Phương cho biết mình mê cải lương từ nhỏ nhưng không có điều kiện nên đành chuyển qua nghề khác, rồi lập gia đình, bây giờ tạm ổn nên tranh thủ sống với niềm đam mê của mình. Hiện chị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Thành (TP. Cà Mau).

Thí sinh Nguyễn Mỹ Duyên đoạt giải Nhất và giải Hát về Cà Mau hay nhất.

Đêm chung kết Giải Bông tràm năm nay có phần mở màn rất hấp dẫn và ấn tượng với tiết mục “Đò chiều Tô Châu”, đem lại niềm hứng khởi cho khán giả.

Đến với Giải Bông tràm mỗi thí sinh có một quyết tâm, hướng đi khác nhau song điểm chung ở họ là niềm đam mê vọng cổ ngọt mùi, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản tinh thần của tiền nhân. Bởi thế, từ “cái nôi” Bông Tràm đã có nhiều giọng hát hay, những tài năng trẻ sống cùng nghệ thuật cải lương, mang cái hồn hậu của đất và người Cà Mau hòa quyện, bổ sung cho cải lương chuyên nghiệp của nước nhà. Điều đó được minh chứng ngay từ lần tổ chức đầu tiên năm 2005, thí sinh Như Huỳnh đoạt giải B – giải cao nhất (không có giải A), giờ trở thành nghệ sĩ tài năng, “đóng đinh” tên tuổi một giọng hát ngọt ngào và gần gũi trên những sân khấu lớn.

Thí sinh Nguyễn Thanh Toàn đoạt giải Nhì và là thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất tại Giải Bông tràm lần thứ III – 2010, chia sẻ: Giải Bông tràm là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội và tiếp thêm sức mạnh để anh vững bước trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn. Với nỗ lực của bản thân trải qua quá trình rèn luyện về giọng ca lẫn khả năng biểu diễn và Toàn đạt danh hiệu Chuông vàng vọng cổ năm 2015, trở thành một trong những tài năng trẻ của làng cải lương Việt Nam.

“Giải Bông tràm mỗi lần tổ chức đều có sự chuẩn bị chu đáo từ việc xây dựng thể lệ cuộc thi đến tổ chức các buổi thi diễn; đặc biệt chất lượng ca diễn của các thí sinh nâng lên đáng kể. Điều đáng mừng là giải đã nâng tầm và mở rộng cho các thí sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia. Hầu hết các thí sinh đã chọn bài hát dự thi theo đúng khả năng và giọng ca của mình. Kỹ thuật gieo câu, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy của các thí sinh rất khéo léo; đã truyền đạt chính xác sắc độ tình cảm của lời bài hát và tâm trạng nhân vật. Các cháu hãy tiếp tục học tập rèn luyện, để có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bởi chính các cháu là những hạt nhân trong các phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương và đưa lời ca tiếng hát mãi âm vang trên sông nước miền Tây” – soạn giả Minh Thùy nhiều lần làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải Bông tràm, nhận xét và kỳ vọng.

Tiếng vang của Giải Bông tràm đã có, song theo đánh giá của nhiều đạo diễn, giới chuyên môn cần hướng đến bài bản và chuyên nghiệp hơn. Hầu hết, các thí sinh có chất giọng tốt, khỏe, tuy nhiên đa phần là nghiệp dư, chỉ tập dợt vài ngày đã lên diễn nên khó tránh khỏi hạn chế. Những nghệ nhân, nghệ sĩ trách nhiệm với nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương mong muốn ngành Văn hóa cần có những chương trình, kế hoạch kịp thời đào tạo, định hướng… nhằm đưa tiếng hát cải lương trên miền đất Cà Mau nối tiếp, phát huy di sản văn hóa mà cha ông đã truyền lại, nhất là 20 bài bản tổ đờn ca tài tử. Đây là tiền đề quan trọng để nâng tầm cuộc thi Giải Bông tràm sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *