“Giải cứu” tiêu chí số 13

Chưa tìm được “tiếng nói chung”

Để đạt tiêu chí này, mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả; số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn, để từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đạt chuẩn năm 2017, xã Trí Phải (huyện Thới Bình) thành lập được 2 HTX (dịch vụ nông nghiệp thủy sản) và 1 THT (hoa màu). Qua hơn một năm hoạt động, HTX Quyết Thắng và HTX Quyết Tiến có 54 thành viên. Do tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên từ khi thành lập đến nay, 2 HTX này vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”.

Ông Phạm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Trí Phải, phân trần: “Giờ không còn cách nào khác, HTX phải sản xuất theo tổ chức, phải tập trung. Đa phần bà con chỉ biết trồng nhưng chưa biết bán cho ai, bán như thế nào, nên thường gặp cảnh được mùa mất giá, khi thì cung ứng ra thị trường quá nhiều sản phẩm cùng một lúc, khi thì lại khan hiếm”.

Không chỉ riêng ở xã Trí Phải, mà các địa phương khác cũng lâm vào tình cảnh này. Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An (huyện U Minh), cho biết: “Xã có 1 HTX nông nghiệp nuôi cá đồng và trồng màu nhưng hoạt động còn yếu, đa phần quản lý là nông dân, khâu quảng bá thương hiệu thiếu “cầu nối” với các doanh nghiệp, nên hoạt động chỉ mới dừng lại ở khâu tập trung, chưa vươn ra thị trường lớn hơn được”.

Thực tế, các tổ viên trong THT, HTX vẫn còn hoạt động chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình, chỉ hoạt động tập trung khi cần có sự hỗ trợ lẫn nhau về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, đây cũng là cách chia sẻ lợi ích trong sản xuất nhưng không mang tính lâu dài.

Nếu được hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực, khoa học, các tổ hợp tác sẽ sớm thành lập được hợp tác xã, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và bền vững hơn.

Mở hướng đi bền vững

Từ thực tế cho thấy, khó khăn chung của các HTX, THT là sản xuất manh mún, khó khăn trong huy động vốn điều lệ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản phẩm còn ít, năng lực cán bộ quản lý HTX phần đông còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tế. Các chính sách hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước ban hành khá nhiều nhưng HTX lại khó tiếp cận do không đủ điều kiện thụ hưởng. Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tiếp tục được điều chỉnh, sửa đổi. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Luật HTX cũng đã bộc lộ những hạn chế.

Trước thực tế đó, tỉnh đang thực hiện Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 27/3/2017 về triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 – 2020”. Qua đó, tỉnh đã chọn 15 HTX thí điểm “Mô hình HTX kiểu mới”. Bước đầu, các HTX đều mở rộng về quy mô sản xuất, nhất là các HTX sản xuất lúa do liên kết được với doanh nghiệp đầu ra nên đã tăng diện tích, sản lượng vùng nguyên liệu của HTX. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 HTX/THT (800 hộ, diện tích 1.323,3ha) để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng nguyên liệu tôm có chứng nhận quốc tế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân thực hành nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn… Đối với lĩnh vực trồng trọt, các ngành chức năng liên quan đã tổ chức 5 hội thảo kết nối các doanh nghiệp với HTX trong lĩnh vực sản xuất lúa, chuối, rau màu tập trung. Bước đầu đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cao sản an toàn tại xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời); chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa – tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình), chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau màu xã Lý Văn Lâm. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Đã thành lập 1 HTX sản xuất tổng hợp ở khu vực rừng tràm; đang hoàn thiện 1 mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm gỗ keo lai; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng để đạt 30.000ha tôm – rừng được chứng nhận vào năm 2020. 

Thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa tại huyện Thới Bình. Ảnh: VĂN ĐỜI

Song song đó, để giúp các HTX tháo gỡ khó khăn về thiếu nguồn nhân lực quản lý, ngày 22/8/2018, UBND tỉnh thống nhất kế hoạch đưa cán bộ trẻ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp, giai đoạn 2018 – 2020.

Tới thời điểm này, tỉnh đã đưa được 7 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại 7/15 HTX trên địa bàn tỉnh. Mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng các thành viên của các HTX hy vọng, với trí tuệ, năng lực cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, lực lượng cán bộ trẻ sẽ giúp cho HTX chuyển giao được kỹ thuật, đưa công nghệ vào sản xuất tạo ra những sản phẩm có giá trị bền vững hơn. Theo kế hoạch, còn 8/15 HTX còn lại tỉnh sẽ lựa chọn ứng cử viên phù hợp để đưa về làm việc trong năm 2019.

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, HTX, THT phải “đứng mũi chịu sào”, trực tiếp hoặc gián tiếp có vai trò tích cực trong việc giảm chi phí sản xuất – tiêu thụ, ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất – kinh doanh tăng thu nhập của các hộ thành viên, sự hỗ trợ về nguồn nhân lực của tỉnh là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển ở các HTX. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để xây dựng tiêu chí số 13 thực sự bền vững, góp phần đưa tỉnh sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Trong năm 2018, có 6 HTX xin giải thể. Tính thời điểm hiện tại có 186 HTX; trong đó có 29 HTX hoạt động khá, 64 HTX hoạt động trung bình, 28 HTX hoạt động yếu, 65 HTX hoạt động dưới 12 tháng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *