Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm của Chính phủ, thay đổi hành động địa phương

Theo ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/7, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 1.833,656 tỷ đồng, bằng 50,8% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân được 1.113,54 tỷ đồng, bằng 55,5% kế hoạch vốn; vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 720,116 tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch vốn.

Nhiều chuyển biến

Với kết quả trên, ông Trương Đăng Khoa cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến khá tích cực, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, chỉ sau Tiền Giang và Hậu Giang, đứng thứ 16 trong cả nước.

Có được kết quả trên là nhờ các chủ đầu tư đã chủ động, tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (đối với các dự án chuyển tiếp), triển khai hoàn thiện các bước trình tự thủ tục hồ sơ để sớm khởi công dự án (đối với dự án khởi công mới năm 2020); góp phần tăng cao giá trị và tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng năm 2020.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan chuyên môn quản lý vốn đầu tư công đã chủ động tổng hợp, đề xuất điều chỉnh vốn kịp thời. Cụ thể, trong tháng 7/2020, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 65 danh mục dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 35 danh mục dự án, với tổng kế hoạch vốn 126,559 tỷ đồng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Vẫn là “bồi thường, giải phóng mặt bằng”!

Dù mang tính cấp bách, tuy nhiên, nhiều gói thầu thuộc dự án xây dựng đê, kè trên tuyến đê biển Tây lại chậm giải ngân.

Thông tin tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phần lớn đến từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, hoàn thành dự án. Có thể kể đến những dự án lớn: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính Đông – Tây tỉnh Cà Mau (đoạn từ Quốc lộ 1 đến cửa biển Gành Hào) và cầu qua sông Cái Nai (Khu kinh tế Năm Căn); Dự án cầu qua sông Tắc Thủ (TP. Cà Mau); Dự án cầu qua sông Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội (huyện U Minh); Dự án hệ thống thủy lợi Tiểu vùng II, III, V (Nam Cà Mau); Bệnh viện Lao và Bệnh viện phổi; Dự án đầu xư xây dựng Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau…

Dù mang tính cấp bách, tuy nhiên, nhiều gói thầu thuộc dự án xây dựng đê, kè trên tuyến đê biển Tây lại chậm giải ngân.

Đáng quan tâm hơn là, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chuyển sang năm 2020 đến tháng 7 đạt 135,932 tỷ đồng, chỉ bằng 33% kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý là nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt 26,1%, vốn ngân sách Trung ương bổ sung ngoài kế hoạch được giao giải ngân đạt 26,3% kế hoạch…, thậm chí có nhiều dự án không giải ngân được đồng nào, có thể kể đến các nguồn: Hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư trên địa bàn xã của các huyện: Thới Bình, Cái Nước, Ngọc Hiển; hỗ trợ đầu tư các công trình cơ bản xã Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), xã Trí Phải (huyện Thới Bình); hỗ trợ thực hiện các đề án, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo…

Trong 2 tuần liên tiếp mà không chuyển biến, kiên quyết xử lý chủ đầu tư!

Nói về thực trạng chậm giải ngân, giải ngân đạt tỷ lệ quá thấp, đã qua, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng như thế là không thể chấp nhận được, này lỗi thuộc về chuyên môn là chính, cần thấy rõ để rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc. Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thành lập các Tổ chuyên môn giúp việc cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách theo từng khối trong theo dõi, đôn đốc tất cả các dự án, từ lớn đến nhỏ. Phải được báo cáo hằng tuần và nếu trong 2 tuần liên tiếp mà dự án nào không có chuyển biến trong giải ngân thì cần có biện pháp xử lý đối với chủ đầu tư.

Bí thư Thành ủy, Huyện ủy cũng phải trực tiếp vào cuộc, giám sát, theo dõi tiến độ giải ngân các dự án. Ai lơ là, thiếu trách nhiệm, đề nghị xử lý theo thẩm quyền, cũng như làm cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ cuối năm. “Chậm giải ngân, không những cắt vốn mà còn bị kiểm điểm trách nhiệm”, người đứng đầu tỉnh nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời khẳng định Cà Mau phải thực hiện nghiêm nội dung này.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đề ra kỳ hạn là chậm nhất đến hết tháng 8, tiến độ giải ngân của tất cả các dự án phải đạt tối thiểu 70% trở lên, trên tinh thần kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định.

Mang tinh thần chỉ đạo kỳ quyết của Chính phủ vào hành động của địa phương, Cà Mau quyết tâm chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, góp phần phát triển, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong tình hình cả thế giới chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Nhiều hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của các sở, ngành chuyên môn và UBND cấp huyện, các chủ đầu tư; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa vào cuộc kiểm tra, xử lý quyết liệt, khoán trắng việc cho các ban quản lý dự án, cho đơn vị tư vấn…

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nói về trách nhiệm của các chủ đầu tư trong thực hiện các dự án từ nguồn đầu tư công đã qua dẫn đến chậm giải ngân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *