Giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cà Mau có 3 mặt giáp biển và là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á, có đường bờ biển dài gần 254km (107km bờ biển Đông và 147km bờ biển Tây), là điều kiện thuận lợi để ngư dân hoạt động khai thác thủy hải sản. Tuy nhiên, ngư dân trên các tuyến biển này quen với phương thức khai thác đơn lẻ, thậm chí, vì nguồn lợi trước mắt, một bộ phận thuyền viên, thuyền trưởng trên các phương tiện bất chấp lệnh cấm để đánh bắt thủy sản trái pháp luật.

Đồn Biên phòng Sông Đốc hiện quản lý trên 2.000 phương tiện, trong đó có gần 1.630 phương tiện hoạt động xa bờ. Đại úy Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết: “Đồn Biên phòng Sông Đốc đã triển khai nhiều biện pháp: Thành lập, duy trì hoạt động có hiệu quả đội tàu thuyền đoàn kết trên biển. Qua đó, ngư dân có điều kiện hỗ trợ nhau trong quá trình hành nghề, đồng thời nắm bắt thông tin trên biển, kịp thời thông báo cho BĐBP xử lý. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân”. 

Để ngư dân nắm vững thông tin về những quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác thủy sản; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy, hải sản. Từ năm 2018 đến nay, không chỉ Đồn Biên phòng Sông Đốc mà hầu hết các Đồn Biên phòng đóng quân tại các cửa biển đều có phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều buổi tập trung, tuyên truyền cho chủ tàu và thuyền trưởng đang hành nghề khai thác thủy, hải sản trên biển cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các đơn vị biên phòng trên địa bàn tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thuyền trưởng, thuyền viên về trách nhiệm pháp luật khi vi phạm vùng biển nước ngoài.

Phạt nặng nếu cố tình vi phạm

Kể từ khi được BĐBP và các lực lượng chức năng tuyên truyền về các quy định bắt buộc khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, nhiều ngư dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng còn bộ phận người dân lơ là, cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để trục lợi cá nhân. Cụ thể, vào đầu tháng 1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hứa Chí Tâm, chủ tàu cá thuộc ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, về hành vi khai khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không giấy phép.

Theo đó, ngoài bị phạt 1 tỷ đồng do khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quốc gia khác mà không có giấy phép, ông Tâm còn bị phạt 17,5 triệu đồng vì sử dụng giấy chứng nhận an toàn tàu cá đã hết hạn khi hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, phạt thêm 7,5 triệu đồng vì thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định. Không những vậy, ông Tâm còn có vi phạm tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, bị phạt 4 triệu đồng. Như vậy, tổng mức phạt hành chính đối với ông Tâm là 1,029 tỷ đồng. Đây là mức phạt hành chính cao nhất tại Cà Mau từ trước đến nay. Và mức phạt này sẽ được duy trì thực hiện nếu chủ tàu nào không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, cố tình vi phạm.

Ngành Thủy sản Cà Mau phát triển nhanh, đóng góp ngày càng nhiều trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời giải quyết sinh kế cho nhiều lao động trên biển. Tuy nhiên ngành cũng còn một số hạn chế: Chưa đáp ứng được các quy định quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), dẫn đến ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Sau hơn 2 năm, triển khai các giải pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ bị cảnh báo “thẻ đỏ”.

Các phương tiện ra khơi đánh bắt phải cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, song chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, chấn chỉnh; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thiếu chặt chẽ, sâu sát và đồng bộ; thực thi pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; công tác truy xuất nguồn gốc hải sản còn nhiều sai sót; công tác quản lý tàu cá trên biển và tại cảng còn buông lỏng, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài chưa được khắc phục; việc đầu tư kinh phí, bố trí nguồn lực, trang thiết bị cho hạ tầng nghề cá để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, còn hạn chế.

Dù ngành chức năng địa phương đã dùng mọi hình thức từ phối hợp không đăng kiểm cho các phương tiện ra khơi hoạt động khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nhiều biện pháp răn đe… nhưng lợi dụng sơ hở, nhiều chủ tàu đã tự động tháo gỡ thiết bị giám sát và lén sang khai thác tại vùng biển nước bạn. Để xử lý nghiêm vấn đề này, trong tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt đối với 4 phương tiện vi phạm về nội dung trên.

Giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trước mắt, phải tập trung cao, quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, không bị cảnh báo “thẻ đỏ”; đồng thời lưu ý một số nội dung sau:

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, phát triển nghề cá bền vững; triển khai thực hiện nghiêm Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định quản lý liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS), hệ thống giám sát tàu cá và đánh dấu tàu cá đúng tiến độ theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Bảo đảm kinh phí, nguồn lực, trang thiết bị cho văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá, ban quản lý cảng cá, chi cục thủy sản, lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương và vốn đầu tư trung hạn cho các dự án hạ tầng nghề cá cấp thiết tại các cảng cá để truy xuất nguồn gốc hải sản và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu cá, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài trước thời điểm kiểm tra lần thứ 3 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu kiểm tra tại Việt Nam (tháng 5). Tập trung điều tra, xử lý dứt điểm hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định dưới mọi hình thức. Quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi thông tin gây bất lợi, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *