Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân

Chưa kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 28 của Tỉnh ủy đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và ban hành các văn bản cụ thể hóa thực hiện kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế về công tác dân vận tại địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ được tăng cường; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị – xã hội từng bước được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được củng cố, kiện toàn. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận được chú trọng, hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động khá sâu rộng và có sức lan tỏa tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Công tác dân vận chính quyền một số nơi chưa tốt, nhất là chưa bám sát cơ sở, địa bàn dân cư, nên một số lĩnh vực chuyển biến chưa nhiều. Công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân có nơi, có lúc chưa thường xuyên, không kịp thời. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một số nơi chưa tốt. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội tuy được triển khai nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa kịp thời nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là ở cơ sở nhiều nơi còn yếu, chưa giải quyết kịp thời, hiệu quả một số vấn đề xảy ra ở cơ sở. Công tác nắm tình hình nhân dân để báo cáo, tham mưu, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền có việc chưa kịp thời, hiệu quả thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém chủ yếu là do: Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác dân vận chưa đầy đủ, không cao, nên chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Phương thức hoạt động, tập hợp, vận động quần chúng chậm đổi mới, chưa sát cơ sở, đối tượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là cơ sở còn khó khăn. Trình độ, năng lực của một số cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác dân vận có nơi, có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn hình thức. Việc làm ở nông thôn chưa đa dạng, thu nhập còn bấp bênh nên nhiều thanh niên bỏ địa phương đi tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, về công tác tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới vào tháng 4/2018.
Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân vận theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 28 của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; tổ chức thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đảm bảo theo hướng thiết thực, cụ thể, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân liên quan. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy đảng về định kỳ làm việc với Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội.

Các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời có những chủ trương, giải pháp cụ thể hiệu quả giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức trong sáng, thực hiện tốt phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo.

Thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận; thực hiện tốt quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội. Chính quyền các cấp phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; chủ động xây dựng quy chế phối hợp và tạo điều kiện tốt hơn về kinh phí, cơ sở vật chất để MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các cơ quan liên quan tăng cường và đổi mới công tác dân vận, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp, các phong trào, giúp nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội.

Ban dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác giữa cơ quan dân vận với các ngành liên quan. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác dân vận; tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, rõ việc, rõ nội dung, gần dân, sát dân hơn; phải bám sát chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch kinh tế – xã hội của chính quyền để vận động nhân dân, tranh thủ nguồn lực thực hiện các phong trào; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt của ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội, tổ hội; thực hiện tốt công tác tập hợp quần chúng.

Tích cực phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tham gia giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân. Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, gắn với các phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; định kỳ tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết, biểu dương gắn với phong trào thi đua yêu nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *