Giảm nghèo: Cần xóa bỏ ý thức trông chờ, ỷ lại

Làm việc với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng mong muốn các địa phương tập trung hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các hộ tăng gia sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Muốn được nghèo “bền vững”

Từ ngàn xưa không ai mong muốn mình nghèo, vì nghèo đồng nghĩa với việc không có cơm ăn, áo mặc, thiếu thốn về vật chất… nhưng thời nay, vẫn còn một bộ phận người dân muốn khoác lên mình chiếc áo hộ nghèo, muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Chuyện cứ tưởng như đùa nhưng lại thật 100%. Trong chuyến khảo sát về tình hình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đoàn giám sát gặp không ít trường hợp hộ nghèo có mong muốn được nghèo “bền vững”, để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Là hộ được thụ hưởng từ Chương trình 30a, hộ bà Trương Thị Sẻ (Ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) là hộ nghèo. Đầu năm 2017, gia đình bà được hỗ trợ 8 con heo và thức ăn đi kèm từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Nhưng khi đàn heo lớn thì bà bán hết mà không tái đàn hoặc chuyển mục đích nuôi các giống con khác. Khi đoàn đặt vấn đề tại sao lại không tái đàn, bà Sẻ cho biết: “Nhà nước hỗ trợ giống kèm với thức ăn thì mới nuôi, giờ tái đàn thì tự bỏ tiền ra mua mọi thứ, nếu Nhà nước hỗ trợ tiếp thì nuôi, còn không thì không tái đàn”.

Hộ ông Thạch Sôm (ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân), đáng buồn hơn, là hộ dân tộc, hộ nghèo, được hỗ trợ 3 con heo cùng với 300kg thức ăn. Dù được hỗ trợ nhưng gia đình vẫn không chí thú làm ăn. Mới 8 giờ sáng, khi đoàn công tác tới kiểm tra thì bắt gặp ông đang cùng bạn bè ngồi bên mâm nhậu. Khi hỏi về các chương trình thụ hưởng thì ông lơ mơ không biết gì! Khi đoàn hỏi về công việc chính thì ông bảo ai thuê gì thì làm nấy. Nhưng với tình trạng say xỉn suốt ngày nhưng thế thì làm sao có khả năng lao động?

Hộ bà Thạch Thị Thương (60 tuổi, ấp Gò Công), cũng được hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế từ Chương trình mục tiêu nhưng heo đã bán mà vẫn không tái đàn. Bà than vãn: “Tôi ở một mình, nay ốm mai đau, nên bán hết đàn heo để kiếm tiền trị bệnh”.

Qua thực tế cho thấy, các hộ nghèo có hàng ngàn lý do để đưa ra nhằm bao biện cho ý thức trông chờ, ỷ lại. Tỉnh càng quan tâm, Nhà nước càng hỗ trợ thì người nghèo càng trông chờ. Thậm chí còn “đua” nhau giành “vé” để được xét vào hộ nghèo, quyết tâm bám trụ với “danh hiệu hộ nghèo”. Câu chuyện giảm nghèo luôn là bài toán nan giải đối với các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng kiểm tra các tuyến lộ, hộ nghèo trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Cần “khai thông” tư tưởng

Vì sao người dân lại không muốn thoát nghèo? Vì nếu được xét vào hộ nghèo mới được miễn tiền học phí cho con, hỗ trợ về nhà ở, được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cấp thẻ Bảo hiểm y tế… Chỉ riêng huyện Phú Tân, hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu hằng năm lên đến hàng tỷ đồng.

Tuy đã có nhiều hộ thoát nghèo từ các chương trình hỗ trợ, nhưng cũng có không ít hộ “cố thủ” không muốn trả lại sổ hộ nghèo, dù có khả năng để thoát nghèo. Vì sao? Đối với những hộ thuộc đồng bào dân tộc thì đổ lỗi cho nhận thức còn hạn chế, nhưng khi tình trạng ấy cũng diễn ra hầu hết các xã thì chưa biết lý giải như thế nào. Có những hộ nghèo xem đồng vốn hỗ trợ là những món lợi, không xin, không hưởng thì sẽ bị người khác hưởng. Từ những nhận thức còn hạn chế đó, đã biến các chương trình hỗ trợ thành những “mảnh đất màu mỡ” để các hộ nghèo thi nhau giành lấy.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thân Đức Hưởng: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ, khơi dậy ý thức vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, tuyệt đối đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại, không để tư tưởng này “bám rễ” trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc”.

Qua khảo sát, đã có rất nhiều trường hợp được hỗ trợ nhưng không cam kết thoát nghèo hoặc không tái đàn để nhân rộng mô hình.

Thực hiện chậm nhưng phải chắc

Việc xem xét hộ nghèo cũng được công khai minh bạch. Ông Lưu Duy Khánh, chuyên viên Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Các chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có 19 xã và 67 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng giai đoạn từ năm 2016 – 2020. Nhưng qua kiểm tra, giám sát tại một số địa phương thì quy trình thực hiện đang bị “thiếu”. Theo quy định, khi bình xét hộ nghèo được hỗ trợ, phải vận động họ cam kết thoát nghèo, xong mới đầu tư con giống, hỗ trợ vốn, phải theo sát từng hộ. Nhưng trên thực tế, nhiều hộ không biết cam kết là gì như hộ ông Sôm, bà Thương. Điều này đồng nghĩa với việc một số địa phương đã “quên” một số quy trình.

Hỗ trợ đại trà, cứ hộ nghèo là được hỗ trợ nên kết quả mang lại không cao. Mặt khác, do địa phương chưa sâu sát từng hộ nên còn lúng túng trong cách hướng dẫn. Qua thực tế có nhiều địa phương lóng ngóng khi dẫn đoàn đến kiểm tra mà không hề hay biết những hộ này đã bán hết đàn vật nuôi từ lâu và không hề có ý định tái đàn.

Là một trong những huyện mắc phải vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Võ Quốc Thống kiến nghị: “Phải khoanh vùng hỗ trợ, xem xét thật kỹ những hộ có khả năng thoát nghèo, chí thú làm ăn mới hỗ trợ con giống, vốn đầu tư. Nhằm giúp cho họ có nguồn vốn để mở rộng mô hình, xây dựng cơ sở chăn nuôi vững chắc. Đầu tư đại trà như hiện nay thì không thể giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh được”.

Trước những vướng mắc của đa số địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: “Các địa phương cần xem xét lại các quy trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, cứ thực hiện từng bước một, thực hiện đúng phương châm “chậm nhưng phải chắc”, có như thế mới đưa hộ nghèo thoát nghèo bền vững được”.

Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,6% (tương đương 17.754 hộ); hộ cận nghèo chiếm 3,52% (tương đương 10.485 hộ). Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5%/năm (tương đương 4.500 hộ/năm). Riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%/năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *