Giảm nghèo từ nội lực trong dân

Xã Khánh Thuận có diện tích đa phần nằm trên khu vực lâm phần với 10/15 ấp. Những năm đầu nhiệm kỳ, đời sống đại bộ phận nhân dân trên địa bàn xã còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%. Khi đó, Khánh Thuận là xã nghèo thứ 2 của huyện U Minh (sau xã Khánh Lâm). Đa phần những hộ dân nhận khoán đất rừng từ nơi khác chuyển đến, đời sống, xuất phát điểm với vô vàn khó khăn. Chính vì vậy, công tác giảm nghèo đặt ra thách thức rất lớn.

Sự vào cuộc quyết liệt

Để công tác giảm nghèo đạt kết quả, xã phân công từng thành viên từ ban thường vụ, ban chấp hành, đến các đoàn thể, trường học phụ trách, giúp đỡ ấp nghèo và kèm cặp từng hộ nghèo. Việc làm đầu tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo. 

Ông Hồ Tương Lai cho biết: “Xã xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung tuyên truyền đến nhân dân bằng nhiều hình thức. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, những cách làm hay của những hộ đã thoát nghèo”. “Chính nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả trong thời gian qua là động lực để các hộ nghèo trên địa bàn xã vươn lên giảm nghèo bền vững. Một số mô hình có thể kể đến như trồng màu, nuôi cá đồng ở Ấp 11, 13, 15. Mô hình nuôi gà nòi lai, vịt xiêm ở Ấp 1 và 3. Mô hình nuôi heo hướng nạc sắp được triển khai trong năm 2020 này, với kinh phí gần 486 triệu đồng, cho 40 hộ nghèo vay phát triển kinh tế, sẽ tiếp tục mở ra triển vọng trong công tác giảm nghèo thời gian tới”.

Anh Nguyễn Thanh Mẫn (Ấp 18, xã Khánh Thuận) thoát nghèo từ mô hình trồng chuối cấy mô.

Đi lên từ kinh tế rừng

Trước năm 2015, khi về miệt rừng Khánh Thuận để lập nghiệp, mỗi hộ dân có trong tay hàng chục công đất rừng. Sản vật dưới tán rừng khi đó nhiều vô số kể: Cá đồng, mật ong. Nhưng điều trái ngược là tỷ lệ hộ nghèo cao ngất ngưỡng. 

Bà Đào Thị Nhỏ, ở Ấp 18: “Tôi đến đây từ những năm 90, khi đó, cố gắng bám trụ và cứ nghĩ mình sẽ nghèo “bền vững”. Nhưng không ngờ, những năm gần đây, cuộc sống đã thay đổi nhanh quá. Bây giờ trồng rừng, bán cây cuộc sống thoải mái lắm. Nếu bây giờ mà còn sống như hồi đó là tôi bỏ xứ đi rồi”.

Sở dĩ lúc trước, có đất, có rừng trong tay nhưng người dân nghèo là vì cơ chế, chính sách trong việc ăn chia rừng tỷ lệ quá thấp, người dân không đủ để trang trải cuộc sống. Nay đời sống đã đổi khác, khi tỷ lệ ăn chia cao cộng với các mô hình kinh tế mới được áp dụng, dân xứ rừng ở xã Khánh Thuận đã được “cởi trói”. Khi kinh tế rừng phát triển, tạo cú hích để xã Khánh Thuận vươn lên như hôm nay. Dọc theo con đường trải dài qua các ấp lâm phần, không khó để bắt gặp những căn nhà khang trang mọc lên. Những tỷ phú, triệu phú giữa đất rừng bây giờ không còn là chuyện hiếm.

Giảm nghèo từ ý thức

Năm 2018, khi đời sống bắt đầu khá hơn trước, anh Nguyễn Văn Mẫn (Ấp 18, xã Khánh Thuận) đã làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Anh Mẫn chia sẻ: “Mặc dù lúc đó cuộc sống cũng còn khó khăn lắm, nhưng nhìn thấy nhiều hộ khó khăn hơn mình nên tôi quyết định tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Từ đó, tôi quyết chí làm ăn. Ngoài trồng rừng, tôi cũng trồng chuối xiêm, hiện nay cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, nên cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn”.

Rõ ràng, do được tuyên truyền vận động và ý thức được nâng lên, những hộ nghèo đã thể hiện rõ trách nhiệm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Sự tự thân vận động, vươn lên, và phát triển nội lực là một trong những chìa khóa quan trọng để xã Khánh Thuận không chỉ giảm nghèo nhanh mà còn mang tính bền vững. Bởi sau khi thoát nghèo, có điều kiện phát triển kinh tế thì chuyện tái nghèo sẽ rất khó xảy ra.

Đến nay, xã Khánh Thuận còn 219 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,45% và 33 hộ cận nghèo, chiếm 1,12%. Xã phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo về mức dưới 2%. Với sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, tin rằng, xã Khánh Thuận tiếp tục phát huy nội lực, hoàn thành kế hoạch giảm nghèo theo mục tiêu đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *