Giảm tổng đàn heo, sẽ giảm chi ngân sách tỉnh trên 119 tỷ đồng

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi tỉnh họp trực tuyến với các huyện, thành phố, nhằm nắm diễn biến tình hình bệnh dịch.

Đến ngày 20/6, Cà Mau có 11 ổ dịch tại 11 xã và thị trấn là: Tân Ân và Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển); Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Hàm Rồng (huyện Năm Căn); Trần Hợi và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); Tân Dân (huyện Đầm Dơi); Trí Phải (huyện Thới Bình). 
Các huyện: Cái Nước, U Minh và TP. Cà Mau chưa xảy ra dịch. 
Tổng số heo đã tiêu hủy trên 280 con, trọng lượng trên 15.000kg. Tỉnh đang triển khai việc xử lý tiêu hủy bằng phương pháp đốt theo Hướng dẫn số 4178/HD-BNN-TY của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện triển khai thí điểm tại huyện Trần Văn Thời và sẽ triển khai đến các địa phương khác trong toàn tỉnh. 
Thống kê mới nhất, toàn tỉnh có tổng đàn heo trên 94.000 con, trong đó có 70.000 con heo thịt, số heo đến giai đoạn xuất chuồng, xuất bán khoảng 50%. Phần lớn số heo này được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi thú y chưa đảm bảo. Còn lại là heo con và heo nái. 
Phương án giảm đàn dự tính thực hiện trong 100 ngày đêm và phương án này ước giảm chi cho ngân sách tỉnh trên 119 tỷ đồng, chi phí thực hiện trên 11,35 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, đây là biện pháp mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mới đẩy lùi được dịch bệnh và giảm tổn thất cho ngành chăn nuôi, cho ngân sách tỉnh. 
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh băn khoăn, nếu thực hiện giảm tổng đàn, thì khoảng 3,5 tháng hết heo trên địa bàn, lúc này gần tết Nguyên đán, việc tiêu thụ thịt heo tăng mạnh, như vậy có đáp ứng nhu cầu của người dân? Mặc dù có chỉ đạo các địa phương tăng cường chăn nuôi các loại con khác để có nguồn thịt thay thế, liệu có đủ, có kịp?
Tại cuộc họp, các địa phương nêu lên khó khăn trong công tác phòng, chống dịch: Việc chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm còn chậm; việc quản lý, giám sát heo nhập tỉnh chưa chặt chẽ; xem xét hỗ trợ cho thương lái khi cam kết mua heo trong tỉnh; cho phép huyện phối hợp bố trí các trạm, chốt kiểm soát phù hợp hơn…
Về phương án tái đàn, bảo vệ đàn heo mẹ, toàn tỉnh có trên 8.200 heo nái, tập trung nhiều ở huyện U Minh, nên tỉnh chọn huyện U Minh để thực hiện phương án này. Thống nhất chọn những trang trại đáp ứng các tiêu chí mua heo nái và heo đực giống hậu bị hạt nhân tái đàn sau dịch.
Trên địa bàn tỉnh, đàn gia cầm 6 tháng đầu năm ước có 2,7 triệu con, tăng trên 750 ngàn con so với năm trước. Diện tích nuôi thủy sản 300.000ha với nguồn cua và cá thì đây là nguồn thực phẩm dồi dào, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể cung cấp thay thế cho thịt heo trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí trạm, chốt ở các địa phương giao cho lãnh đạo huyện, thành phố thực hiện, song phải báo cáo cụ thể với tỉnh. Không tái đàn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, khu vực, chỉ thực hiện khi tỉnh có chủ trương. Tăng cường kiểm soát heo nhập tỉnh, đã qua chưa chặt, cần kiên quyết hơn đối với trường hợp làm giả giấy tờ, giấy phép niêm yết sử dụng nhiều lần. 
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu việc hỗ trợ người chăn nuôi là đối tượng doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ, để tỉnh công bố công khai. Xem xét chính sách khuyến khích các đối tượng thu mua, giết mổ, để họ cam kết không giết mổ, thu mua heo ngoài tỉnh. 
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các ngành liên quan sớm hoàn thiện các phương án trên, để UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, tiến tới phê duyệt thực hiện khẩn trương.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *