Gian nan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Bài 2: Chậm sắp xếp, đổi mới hai công ty lâm nghiệp

Chưa phát huy tiềm năng đất rừng

Được biết, khi cổ phần, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển sẽ kêu gọi phần góp vốn vào lĩnh vực chế biến gỗ, chế biến than từ gỗ rừng trồng; nuôi trồng, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thủy sản, giống thủy sản; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhà nghỉ. Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, sẽ kêu gọi đầu tư vào chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản, dược liệu; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhà nghỉ.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đến cuối năm 2017 là 164.638,6ha, diện tích có rừng 95.415ha.

Hai công ty lâm nghiệp U Minh Hạ và Ngọc Hiển quản lý diện tích rừng và đất rừng tương đối lớn với 44.391,57ha, chiếm 26,97% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh. Ngoài nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động của hai công ty lâm nghiệp còn mang tính chất xã hội khi tổ chức sản xuất cho hàng ngàn hộ gia đình nghèo không đất sản xuất. Thời gian qua, hai đơn vị đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Tren thực tế, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hai công ty trong 3 năm qua cho thấy luôn có lãi, tổng lợi nhuận sau thuế là 28,6 tỷ đồng/năm; nguồn thu chủ yếu từ khai thác gỗ, thu từ các hoạt động kinh doanh khác là hạn chế.

Tuy có lợi nhuận, song chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên rừng và đất đai Nhà nước giao. Một bất hợp lý là ngay tại vùng nguyên liệu rộng lớn nhưng lại không có nhà máy chế biến lâm sản, dẫn đến giảm giá trị sản phẩm, sản xuất kém hiệu quả.

Theo mô hình hiện tại, hiệu quả hoạt động của hai công ty lâm nghiệp vẫn chưa như mong đợi, chưa phát huy hết tiềm năng của đất rừng, còn đang phải đối mặt với không ít khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thị trường, đất đai, tài nguyên. Nhiều hạn chế của hai công ty lâm nghiệp bộc lộ ngày càng rõ: Nguồn vốn chủ sở hữu thấp, chưa gắn được vùng nguyên liệu với chế biến, phương thức kinh doanh lạc hậu, chậm đổi mới; thiếu chiến lược dài hạn, thiếu chủ động trong quản lý bảo vệ rừng và sản xuất kinh doanh; chậm nắm bắt tình hình mới, chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi khách quan của nền kinh tế khi chuyển đổi; trình độ quản trị doanh nghiệp chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Hai công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với chức năng chính là sản xuất, kinh doanh rừng, nhưng trong thời gian dài chức năng này còn yếu, chủ yếu là khai thác rừng bán sản phẩm thô, trồng rừng phủ xanh có sự hỗ trợ của Nhà nước…

Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là nhằm giải quyết những vấn đề còn bất cập, tồn tại hiện nay của các công ty nông, lâm nghiệp, hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Vì thế, việc sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hai công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cần xây dựng và áp dụng cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn.

Đất rừng U Minh Hạ có nhiều tiềm năng về trồng rừng kinh tế gắn với chế biến gỗ và phát triển du lịch sinh thái.

Từng bước ổn định tình hình rừng

 

Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới hai công ty này là trên 612 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển kêu gọi góp vốn điều lệ khoảng 42 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ là khoảng 100 tỷ đồng. 

Khó khăn lớn nhất dẫn đến làm chậm sắp xếp, đổi mới đã qua và hiện tại chưa được tháo gỡ là việc giao ngay diện tích 34.591,49ha đã khoán cho hộ gia đình về địa phương, để giao cho các hộ dân. Việc này được đánh giá là quá khả năng của chính quyền cơ sở ở thời điểm hiện tại, do chưa đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng quản lý diện tích này khi hai công ty lâm nghiệp chuyển thành đơn vị hai thành viên.

Sau khi rà soát bàn giao diện tích đất rừng về địa phương quản lý, diện tích lâm phần ổn định của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển là 1.873,23ha và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ là 7.078,32ha.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh,  chính khó khăn này mà việc sắp xếp, đổi mới tại hai công ty lâm nghiệp kéo dài thời gian qua và tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thời gian thực hiện, được thống nhất điều chỉnh Phương án tổng thể sắp xếp hai công ty lâm nghiệp theo quy định. “Phương án đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, khi được phê duyệt sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, vì đã qua như thế là quá chậm”, ông Việt cho biết.

Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết khi phương án được phê duyệt, sẽ tiến hành từng bước, theo lộ trình chuyển diện tích đất giao khoán về cho địa phương quản lý. Đây là việc làm cần có thời gian. Giao đến đâu, ổn định tình hình đến đó. “Khi nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần tại hai công ty, nhu cầu hợp tác với hộ dân trong cung cấp nguyên liệu chế biến khả năng sẽ xảy ra, bởi đây là thực tế. Vì thế, vấn đề này cần được quan tâm, chủ động ngay từ bây giờ”, ông Thức nói.

Tiến tới xây dựng trở thành công ty có 2 thành viên, trong đó Nhà nước giữ 51% cổ phần, kêu gọi nhà đầu tư góp vốn, mở ra các ngành, nghề kinh doanh, sản xuất từ rừng là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển. Việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần ở hai đơn vị lâm nghiệp thật sự là yêu cầu bức thiết.

Tuy nhiên, một vấn đề mà dư luận đặt ra là trong thời gian dài đã qua, hai công ty lâm nghiệp của tỉnh thuộc diện được nhận giao đất không thu tiền sử dụng đất hay phải thuê đất? Tới đây, khi chuyển thành công ty hai thành viên, vấn đề này liệu có được xem xét nhằm tránh gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất của Nhà nước?.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *