Gian nan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nướcBài cuối: Cần hành động mạnh mẽ, quyết tâm và năng động!

Nhận định những khó khăn, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quan trọng, đề ra nhiệm vụ trước mắt, cần làm ngay và những giải pháp thực hiện theo trình tự, lâu dài.

Cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa tại Ban Điều hành Bến xe tàu Cà Mau nhằm đổi mới hình thức hoạt động, mở rộng quy mô phục vụ, thực hiện tốt hơn trong vận chuyển hành khách, tránh gây ùn ứ, nhất là dịp lễ, tết.

“Cổ phần hóa DNNN là giải pháp tối ưu, giúp đổi mới các DNNN đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế thế giới. Cổ phần hóa giúp tăng khả năng sinh lời của các DNNN do quá trình cổ phần hóa chuyển quyền quản lý DN, quyền sử dụng vốn, dòng tiền từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân. Tình hình tổ chức, quản lý bộ máy được gọn nhẹ so với trước khi cổ phần hóa. Nhìn chung, tình hình các công ty sau cổ phần hóa đều có chuyển biến tốt, tự chủ về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh đều tăng qua hằng năm, thu nhập của người lao động không ngừng tăng lên”.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh.

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Như đã thông tin ở bài trước về việc khoản nợ mà Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Cà Mau đang “ôm” gần 38 tỷ đồng, dẫn đến việc cổ phần hóa có nguy cơ không thực hiện được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi – Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh, cho biết tới đây khả năng sẽ không đưa khoản nợ phải thu này vào tính giá trị DN để cổ phần hóa. Sau tách ra mà vẫn không thu hồi nợ được thì trách nhiệm khắc phục thuộc UBND tỉnh, vì là DNNN. Theo đó, buộc phải giảm vốn nhà nước trong công ty cổ phần để bù trừ lại khoản nợ phải xử lý.

Đối với thành viên thứ 2 trở lên tại hai công ty lâm nghiệp khi sắp xếp đổi mới hình thức hoạt động, bên cạnh giữ cho được mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về xây dựng nhà máy chế biến lâm sản tại địa phương, nhằm phát triển và nâng cao giá trị gia tăng rừng kinh tế. Tuy nhiên, một khó khăn hiện tại là còn khoảng 20% diện tích đất rừng chưa được xác định cắm mốc ranh giới, nguyên nhân là do các hộ dân lấn chiếm.

Đối với việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, dù kinh doanh ngành hàng thiết yếu, đã được chào bán công khai, bán cạnh tranh chứ không bán chỉ định, nhưng ít nhà đầu tư quan tâm. Tới đây dự kiến sẽ chia nhỏ cổ phần ra bán. “Dù chậm, nhưng cố gắng đảm bảo theo tiến độ, không vì áp lực mà bán tháo, bán đổ, vì lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến cuộc sống thiết yếu của nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Lâm Văn Bi chia sẻ về thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau. Theo đó, UBND tỉnh đã có báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh kế hoạch thoái vốn, đề nghị xin được đưa công tác thoái vốn tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau vào giai đoạn 2019 – 2020.

Được biết, theo quy định, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau sẽ thoái vốn nhà nước tối thiểu 35,49% vốn điều lệ, nhưng đến nay cũng chỉ đạt 15%, vốn nhà nước đang nắm giữ chiếm đến 71,49%. Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển nhà Cà Mau, sau phiên đấu giá trước đây không thành công, đến nay Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức chào bán cạnh tranh, nên Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh phải chờ, song song đó là tìm nhà đầu tư bên ngoài để thương thảo chuyển nhượng góp vốn của Quỹ tại công ty theo phương thức thỏa thuận.

Trình tự, chặt chẽ, đúng quy định

 

Sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau luôn hoạt động có lãi, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016, doanh thu đạt trên 94 tỷ đồng thì năm 2017 đã đạt trên 104 tỷ đồng. Thu nhập bình quân cán bộ quản lý hiện gần 30 triệu đồng/người/tháng; người lao động bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Trước những khó khăn, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa DN trong giai đoạn mới, cũng như xử lý những tồn tại đã qua, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì tổ chức kiểm tra, rà soát toàn diện các tài sản là nhà, đất đã đưa ra khỏi giá trị DN của các DN trước khi cổ phần hóa, trong đó cần lưu ý các tài sản đang bỏ sót, chưa có phương án sử dụng hợp lý, theo quy định. Đây là yêu cầu thực hiện, theo tinh thần Nghị định 167/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển làm việc lại với đơn vị tư vấn, có phương án đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển nhà Cà Mau. Đối với 2 công ty lâm nghiệp, trong phương án sắp xếp phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Chuyển Ban Điều hành Bến xe tàu Cà Mau thành công ty cổ phần đúng quy trình, thủ tục, khắc phục và xử lý ngay hậu quả từ việc quản lý đất lỏng lẻo, dẫn đến người dân lấn chiếm, đất chồng lấn. Tiếp tục thực hiện ý kiến kết luận của Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy về xử lý các tài sản tồn đọng của Công ty Khánh Hội và Công ty Xuất khẩu Tân Phú, xử lý dứt điểm để thực hiện các thủ tục về nợ với các ngân hàng…

Tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện yêu cầu cần có giải pháp làm chuyển biến về mặt nhận thức trong công tác cổ phần hóa, sắp xếp và đổi mới DNNN. Phải thấy được việc cổ phần hóa là nhằm chuyển từ quản lý quan liêu bao cấp, ngân sách nuôi và lo tất cả, sang tự chủ, tự lo, Nhà nước không tham gia vào công tác quản lý. “Những gì còn lại trong thực hiện cổ phần hóa DNNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau không nhiều, nhưng toàn “đụng” vào những cái khó. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các ngành, cơ quan chủ quản cần nâng cao trách nhiệm, đề ra phương pháp thích hợp, hiệu quả, xử lý kiên quyết, dứt điểm, có lộ trình, hạn định, quyết tâm hoàn thành đúng theo tiến độ”, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện chỉ đạo.

2/3 chặng đường cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn mới đã qua, thời gian còn lại không nhiều nhưng còn nhiều việc lắm gian nan. Các giải pháp đã được nêu ra, điều mong chờ lúc này là cần có những động thái tích cực, hành động mạnh mẽ, quyết tâm và năng động hơn của các cơ quan liên quan. Chậm ngày nào thì “con tàu kinh tế” của tỉnh ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, việc thu hút đầu tư cũng như phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương sẽ không được như mong đợi, giảm cơ hội phát triển theo tiến trình đi lên của cả nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *