Giao thông đường thủy: Nhiều vi phạm, thiếu an toàn

Trên địa bàn huyện có 3 tuyến sông do tỉnh quản lý, dài hơn 73km; huyện quản lý 10 tuyến, chiều dài 117km. Có 25 bến khách ngang sông; 10.763 các loại phương tiện thủy nội địa có đăng ký quản lý.

Mặc dù các bến khách ngang sông được cấp phép thành lập bến thủy nội địa, nhưng ở một số nơi, nhiều chủ mở thêm bến hoạt động vận chuyển khách ngang sông, với các phương tiện không hợp quy chuẩn, gây nguy cơ mất ATGT. Vào những ngày học sinh đi học, từ bờ bên này qua bờ kia sông chiều dài khoảng 200m, mỗi chuyến phà chở từ 20 – 40 người và các loại xe.

Phà qua sông Vàm Đình mỗi ngày có hàng trăm học sinh qua lại.

Tại bến phà Vàm Đình (xã Phú Thuận), Vàm Xáng (xã Phú Mỹ), mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện xe mô – tô qua lại. Vậy nhưng, hầu hết các chủ phà đều không hướng dẫn khách và học sinh cầm phao cứu sinh, hoặc có trang bị áo phao nhưng người đi đò chủ quan không mặc. Xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, buộc ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời cấp phát áo phao cho người qua phà, song nhiều chủ phương tiện vẫn không chấp hành. Tuy nhiên, xã không thể cấm các phương tiện này hoạt động, bởi nhu cầu đi lại của học sinh và người dân là rất lớn.

Thêm một nỗi lo khác, số phương tiện vận tải đường thủy hiện tại vẫn còn nhiều, nhu cầu hành nghề vận tải đường thủy ngày càng cao và trang thiết bị hiện đại hơn, nhiều người mong muốn được tham dự các lớp học để có chứng chỉ chuyên môn, nhưng việc đáp ứng nhu cầu rất hạn chế. Hơn nữa, việc tàu không đăng ký, đăng kiểm ban đầu, không được kiểm tra kỹ thuật, không được trang bị đủ thiết bị cứu hộ vẫn còn; bến bãi thì chưa an toàn. Còn nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện không bằng lái, không chứng chỉ chuyên môn.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất cập nêu trên xuất phát từ “lỗ hổng” quản lý nhà nước. Nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng công tác đăng ký quản lý các bến thủy nội địa, chưa quan tâm nhiều đến đảm bảo ATGT đường thủy. Hơn nữa, lệ phí đăng ký, đăng kiểm cao, nên số phương tiện đi đăng ký còn ít. Mặt khác, phương thức tổ chức hoạt động của các bến phà ngang hiện phổ biến là giao thầu, đấu thầu địa phương và một người sử dụng một giấy phép cho nhiều phương tiện lưu thông; có nơi nguồn lợi thấp, thậm chí thua lỗ. Do vậy, các chủ bến phà không yên tâm đầu tư trang thiết bị mới và nâng cấp hạ tầng.

Hiện đang là mùa mưa bão và thủy triều dâng cao, nên lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra toàn diện các cơ sở có bến bãi hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn huyện. Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy phép lái tàu cá, bến thủy nội địa, thiết bị cứu đắm, cứu sinh. Đồng thời, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm cũng như các thủ tục bến bãi, hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hành khách chưa đúng quy định.

Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có tuyến đường thủy nội địa tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và xử lý nghiêm các phương tiện, bến bãi, người lái trên tuyến đường thủy nội địa không đủ điều kiện lưu thông theo quy định. Ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ đăng ký, đăng kiểm và đào tạo lái tàu cá, vận chuyển hàng hóa và chứng chỉ chuyên môn về điều khiển phương tiện đường thủy nội địa cho các phương tiện. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *