Giao thông đường thủy nội địa: Nhiều địa phương “kêu” khó

Việc thanh thải các vật chướng ngại trên sông, nhiều địa phương “kêu” khó thực hiện.

Ông Huỳnh Hoàng Em, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban ATGT huyện Cái Nước, cho biết: Thực hiện đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, Ban ATGT huyện Cái Nước trong thời gian qua đã tổ chức vận động người dân tự giác tháo dỡ vật chướng ngại trên sông, với nhiều hình thức: Đăng ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ luồng, gây mất ATGT đường thủy, tuyên truyền qua loa truyền thanh về tình hình trật tự ATGT đường bộ và đường thủy, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến chướng ngại vật đường thủy nội địa trên địa bàn, nhằm cảnh báo và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra kiểm soát đường thủy cũng được tăng cường. Từ đầu năm đến nay đã lập biên bản 90 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 78 trường hợp với số tiền hơn 53 triệu đồng… Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy Hòa Trung thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau, Công an xã Đông Hưng tổ chức 18 đợt kiểm tra, giải tỏa trên sông Bảy Háp và tạm giữ 36 miệng đáy.

Ngoài ra, Ban ATGT huyện đã chỉ đạo cho UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên tuyên truyền cho bà con nhân dân không được tiếp tục phát sinh những chướng ngại vật trên sông và gây mất ATGT đường thủy. Hàng tháng, Ban ATGT huyện lập 2 đoàn kiểm tra trên các tuyến sông và kênh đã từng giải tỏa để kịp thời phát hiện các trường hợp tái vi phạm, ông Huỳnh Hoàng Em cho biết thêm.

Hiện trên địa bàn huyện có 24 bến khách ngang sông đang hoạt động, trong đó có 23 bến có phép và 1 bến không phép, 9 phương tiện đò đưa rước học sinh đang hoạt động, hiện nay đang kiến nghị cấp trên bổ sung quy hoạch và cấp phép cho một bến chưa có giấy phép hoạt động trên địa bàn.

Đối với bến thủy nội địa trên địa bàn huyện có 93 bến, trong đó có 28 bến không giấy phép mở bến, tổ kiểm tra của huyện đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chủ bến vẫn cố tình hoạt động. Trong thời gian tới, sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình trạng này theo quy định.       

Ông Huỳnh Hoàng Em cho biết, đã qua trong công tác này, tại địa phương gặp không ít khó khăn, do ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa lực lượng trong đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn đôi lúc chưa nhịp nhàng, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp.  

Thêm vào đó, lực lượng tuần tra kiểm soát còn hạn chế về số lượng và phương tiện, nhất là đối với cấp xã. Cùng với đó, kinh phí phục vụ công tác đảm bảo trật tự ATGT chưa đảm bảo, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Ban ATGT các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, từ đó chất lượng hoạt động của một số ban ATGT các xã, thị trấn chưa cao. Điều kiện về kinh phí hoạt động và trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo trật tự ATGT thủy, nhất là việc quản lý địa bàn sau các giờ cao điểm giải tỏa. Vẫn còn để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang đường thủy, chướng ngại vật trên sông.

Đối với TP. Cà Mau, đã qua, lực lượng quản lý đô thị cùng với đoàn liên ngành số 3 và UBND các xã thường xuyên ra quân xử lý các trường hợp vi phạm hoạt động không phép tại các bến đò, vi phạm về hoạt động hành nghề và qua đó chủ phương tiện cũng đã nhận thức được việc chấp hành Luật ATGT đường thủy nội địa là điều nên làm. Trên thực tế vẫn còn một số bến khách không đủ điều kiện cấp phép, chưa được cấp phép vẫn cố tình hoạt động, gây mất ATGT đường thủy (các bến không phép liên tỉnh tập trung chủ yếu tại tuyến kênh xáng Phụng Hiệp, giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu).

Đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nói chung và thanh thải các vật chướng ngại trên sông, TP. Cà Mau cũng gặp không ít khó khăn. Công tác phối hợp cùng thực hiện nhiệm vụ giữa các địa phương giáp ranh chưa tốt, chưa đảm bảo hiệu quả.

Một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông, thêm vào đó ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Đối với các bến khách ngang sông và bến đò chèo, còn một số vị trí do nhu cầu qua lại của người dân cao, chưa được xây dựng cầu qua sông hay không thể cấp phép bến đò ngang nên việc vi phạm vẫn còn diễn ra. Việc quy hoạch, cấp phép hoạt động bến đò ngang còn chậm, nhất là bến giáp ranh liên tỉnh…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *