Giao thông thủy nội địa: Trong năm nay sẽ xử lý dứt điểm những vấn đề nổi cộm

Quyết liệt nhưng thiếu chiều sâu

Theo Đại tá Đỗ Chí Công, đó là việc tồn tại khá nhiều bến thủy nội địa không phép; các công trình đường thủy nội địa chưa được kiểm tra về phương án đảm bảo ATGT; tình trạng đăng đáy cá, đặt nò, đó, vó, lú lấn chiếm hết luồng tàu chạy còn phổ biến ở các địa phương.

Trong năm 2018, các đoàn liên ngành đường thủy nội địa đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai giải tỏa vật chướng ngại trên luồng: Chà, nò, đó, vó, lú, đáy cá… gây cản trở và mất ATGT đường thủy nội địa, tập trung vào các tuyến có mật độ lưu lượng vận tải thủy cao như các sông: Ông Đốc, Gành Hào, Bảy Háp và kênh Lương Thế Trân, kênh xáng Bạc Liêu…

Đối với hoạt động của đoàn liên ngành, Đại tá Đỗ Chí Công nhìn nhận: “Nhìn tổng thể, các đoàn liên ngành đã khá quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thiếu chiều sâu, chất lượng hoạt động một số địa bàn chưa cao; chưa có kế hoạch phối hợp cụ thể với các địa phương trong công tác kiểm tra; xử lý vi phạm về bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không phép chưa thường xuyên, quyết liệt. Công tác hỗ trợ các địa phương giải tỏa vật chướng ngại trên sông hiệu quả chưa cao, tình trạng tái chiếm sau giải tỏa khá nhiều. Nhiều địa phương chưa quan tâm phối hợp, hỗ trợ đoàn liên ngành…”.

Tình trạng đặt nò, vó, lú vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: VĂN ĐỜI

Kiểm tra, xử lý vi phạm là nhiệm vụ quan trọng

Chỉ đạo về công tác liên ngành trong đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, Đại tá Đỗ Chí Công lưu ý: Cơ quan thường trực đoàn liên ngành tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ theo dõi, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2019 là “sâu sát cơ sở, trách nhiệm, kỷ cương và hiệu quả”.

Các đoàn kiểm tra liên ngành hàng tuần, hàng tháng phải có kế hoạch hoạt động cụ thể và được trưởng cơ quan thường trực đoàn liên ngành phê duyệt. Lịch kiểm tra của các đoàn liên ngành phải được gửi tới các lực lượng chức năng, các địa phương để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động. Tổ chức chấm công các thành viên trong đoàn kiểm tra. “Nếu cán bộ của đơn vị nào vắng mặt 2 lần liên tiếp, yêu cầu trưởng đoàn báo cáo về cơ quan thường trực có văn bản nhắc nhở gửi về thủ trưởng của đơn vị đó”, Đại tá Đỗ Chí Công nhấn mạnh.

Đại tá Đỗ Chí Công cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các đơn vị tham gia đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa. Phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ khi tham gia đoàn kiểm tra liên ngành. Không đùn đẩy trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tham gia đoàn liên ngành không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các đoàn liên ngành.

Ban ATGT các huyện, thành phố tiến hành rà soát trên địa bàn, tập hợp những vấn đề tồn tại, nổi cộm về ATGT đường thủy nội địa để phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý dứt điểm trong năm 2019.

Giao cho Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 xây dựng kế hoạch, tiếp tục kiểm tra, xử lý dứt điểm các bến thủy nội địa không phép tuyến kênh xáng Lương Thế Trân, kênh xáng Bạc Liêu. Đề nghị Trưởng ban ATGT TP. Cà Mau, Trưởng ban ATGT huyện Cái Nước giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND Phường 7, Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành số 1 thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT đối với vận tải hành khách, hàng hóa, phương tiện chở khách du lịch, phương tiện gia dụng gia đình. Tập trung xử lý đối với phương tiện bơm cát trái phép, phương tiện chở vượt quá sức chở của phương tiện, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ theo quy định, phương tiện đi ban đêm không đèn chiếu sáng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *