Giống lúa “made in Ca Mau”

Cánh đồng lúa thực nghiệm chín vàng óng ánh, chạy dài hơn 2ha tại Trại giống Khánh Lâm 1, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Giống nội tỉnh tạo dựng niềm tin

Cách đây hai năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho ra đời giống lúa mới Cà Mau 1 và Cà Mau 2. Đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng nhiều loại sâu bệnh và chịu mặn từ 8 – 9‰. Đến thời điểm này, giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 đã khẳng định là giống lúa có tiềm năng về năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, kỹ sư Phạm Văn Mịch cho biết: Bộ giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh phối hợp thực hiện. Sau nhiều năm miệt mài lai tạo, giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 ra đời, có nhiều đặc điểm nổi trội so với các giống lúa mà nông dân sản xuất hiện nay, như: Chiều cao từ 90 – 100cm, thân cây cứng, chống đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi; đẻ nhánh nhanh và mạnh, hạt dày, ít bị lem lép hạt, kháng sâu rầy, chống chịu bệnh tốt, năng suất cao, hạt gạo thon dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trong giai đoạn sinh trưởng, giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 chịu được độ mặn từ 5 – 6‰, giai đoạn chín chịu mặn tới 8 – 9‰, rất thích hợp cho vùng đất sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm.

Đến thời điểm này, giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 đã khẳng định là giống lúa có tiềm năng về năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Kỹ sư Phạm Văn Mịch cho biết thêm, giống Cà Mau 1 có thời gian sinh trưởng từ 85 – 90 ngày, còn giống Cà Mau 2 thời gian sinh trưởng dài hơn 5 ngày, nhưng bù lại có ưu điểm hạt gạo thơm nhẹ.

Với hơn 2ha sản xuất thực nghiệm, mỗi giống 1ha, Trại giống Khánh Lâm 1 vừa cho thu hoạch trên 8 tấn lúa giống, đây là nguồn giống gieo sạ cho gần 200ha trong vụ đông xuân.

Tại hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá nhiều giống lúa triển vọng trong sản xuất vụ hè thu năm 2018, do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Duy Khánh, kinh doanh lúa giống ở Ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, phấn khởi cho biết: “Với đặc tính chịu được độ mặn cao, giống lúa Cà Mau 1 và Cà Mau 2 rất thích hợp trong việc gieo sạ 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Hàng năm, gia đình bán ra hàng tấn lúa giống của Trung tâm. Qua khảo sát, thời gian gần đây, nông dân Cà Mau càng có niềm tin hơn với giống lúa nội tỉnh”.

Với những hiệu quả đạt được thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa của tỉnh trong sản xuất.

Khởi động VietGAP

Các giống lúa mùa đặc sản được ưa chuộng và đã thích nghi ở vùng bị ảnh hưởng mặn tại Cà Mau, gồm: Tài nguyên, tép hành, một bụi, ba bông mẳn. Giống tép hành và ba bông mẳn rất ngon cơm nên được nhiều nông hộ trồng.

Hội thảo đầu bờ, cơ hội quảng bá hình ảnh giống lúa nội tỉnh hiệu quả cho nông dân Cà Mau.

Nhu cầu thị trường nội địa đối với các giống lúa mùa đặc sản rất ổn định và hiệu quả khá cao về mặt kinh tế đối với người sản xuất. Tuy vậy, việc nghiên cứu cải thiện, phục tráng các giống lúa mùa đặc sản ít được chú ý đầu tư, cho nên người dân vẫn phải sử dụng lúa thịt làm giống trồng qua nhiều thế hệ, dẫn đến tình trạng giống bị thoái hóa, năng suất giảm, lúa thương phẩm lẫn hạt đỏ, hạt khác dạng nên giảm giá trị thương mại.

Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và ủy quyền địa phương quản lý. Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa – tôm tỉnh Cà Mau, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất.

“Dự án VietGAP trên lúa đối với tỉnh Cà Mau còn rất mới, nhưng với sự cố gắng và hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, bước đầu đã thực hiện theo đúng tiến độ về khối lượng và đảm bảo chất lượng của sản phẩm dự án và ứng dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh”, kỹ sư Phạm Văn Mịch chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *