Giúp dân thoát nghèo

Ngoài công tác chính trị, an sinh xã hội, giúp dân ổn định cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tiểu Dừa luôn ra sức tăng gia sản xuất, nhằm cung ứng nguồn thực phẩm tại chỗ, vừa tiết kiệm kinh phí vừa đảm bảo an toàn.

GIÚP DÂN THOÁT NGHÈO CŨNG LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

Khánh Tiến có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế thủy sản (4 cửa biển lớn nhỏ: Vàm Lung Ranh, Rạch Dinh, Hương Mai và Tiểu Dừa). Dù được đầu tư về cơ sở hạ tầng, song Khánh Tiến vẫn là xã còn nhiều khó khăn so với các xã trên địa bàn huyện. Toàn xã hiện có 2.838 hộ dân, trong đó có 514 hộ nghèo (18,11%) và 115 hộ cận nghèo (2,99%). Bên cạnh đó, Khánh Tiến cũng gặp không ít khó khăn khi có đông dân di cư từ địa phương khác đến.

“Việc giúp dân ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được Ban Chỉ huy đơn vị đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, Ban Chỉ huy đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, tìm hiểu đời sống của từng hộ dân, tìm ra nguyên nhân của từng hộ nghèo để từ đó đề xuất nhiều giải pháp cùng tháo gỡ”, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tiểu Dừa, Trung tá Lâm Văn Huy cho biết.

Do địa bàn rộng với lượng dân cư phân bố không đồng đều, để làm tốt được cả hai mặt vừa đảm bảo được nhiệm vụ chính trị và vừa giúp dân ổn định cuộc sống, Ban Chỉ huy đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tiểu đội. Nếu các tiểu đội đóng quân tại các cửa biển ngày đêm làm nhiệm vụ tuần tra đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân đánh bắt thủy sản trên địa bàn, thì những tiểu đội tại đơn vị cũng ngày đêm ra sức đẩy mạnh công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế.

Để công tác dân vận đạt được hiệu quả, Ban Chỉ huy quy định mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên gặp gỡ trao đổi với người dân. Công tác này có nhiều thuận lợi, song không ít khó khăn, gian khổ, phức tạp. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nâng cao ý thức, không ngại khó, không ngại khổ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tham mưu cho địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân thật sự vững chắc.

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC “DÂN VẬN KHÉO”

Đơn vị đứng chân trên địa bàn Ấp 11. Trong những năm trước đây, số hộ nghèo chiếm gần 1/3 tổng số hộ của ấp. Qua tìm hiểu, cán bộ, chiến sĩ thấy đa phần những hộ dân thiếu tư liệu sản xuất, chuyển từ vụ lúa sang nuôi tôm do không áp dụng được khoa học – kỹ thuật nên nhiều hộ liên tiếp thất trắng nhiều vụ. Đó là một những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tăng cao.

Xác định đúng nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của nhiều hộ dân, Ban Chỉ huy tham mưu với UBND xã về đề án hỗ trợ việc làm, do Đồn Biên phòng làm chủ đầu tư (đứng ra vay tín chấp ngân hàng để giúp cho hộ nghèo trên địa bàn với lãi suất thấp). Đề án được triển khai từ tháng 11-2009, xét duyệt cho 13 hộ vay với số tiền trên 100 triệu đồng, phát triển các mô hình: Nuôi heo, tôm – cua, cá bống tượng, cá sấu…

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến tháng 5-2011 tổng kết đề án, hầu hết các hộ dân đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Minh chứng là đã có 8/13 hộ đăng ký thoát nghèo, có mô hình kinh tế phát triển bền vững và đã hoàn vốn lại cho chủ đầu tư đúng thời hạn.

Từ đề án này, Đồn Biên phòng đã góp phần vào công tác xóa nghèo của xã, tỷ lệ hộ nghèo của ấp giảm theo từng năm và toàn ấp đang phấn đấu sẽ xóa trắng hộ nghèo trong thời gian tới.

Phát huy kết quả đạt được, hiện Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tiểu Dừa đã triển khai đề án hỗ trợ việc làm này lần 2. Các hộ dân đăng ký không chỉ là người dân trên địa bàn Ấp 11 mà có nhiều hộ ở các ấp lân cận: Ấp 10, Ấp 12… Có 11 hộ với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu đồng. Ông Lê Bá Tòng, Ấp 11, là một trong những hộ được vay vốn, cho biết: “Số tiền vay dù không nhiều nhưng đã giúp cho gia đình tôi vượt qua được khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”. Từ năm 2009, với 4ha đất sản xuất nhưng gia đình ông thất mùa liên miên, 7 người con của ông đều có gia đình riêng nhưng cũng khó khăn. Với số vốn 8 triệu đồng, ông đầu tư cho con giống, từ nguồn vốn đó, gia đình ông đã thoát được nghèo, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã hoàn vốn lại cho chủ đầu tư và còn có lợi nhuận.

Song song đó, nhận thấy tình hình trên địa bàn xã xảy ra nhiều trường hợp trộm cắp; gây rối làm mất trật tự; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như tình hình an ninh trật tự, đầu năm 2013, Ban Chỉ huy Đồn đã kết hợp với công an viên xã đóng chốt, xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự ở Ấp 11 và 12. Trung tá Lâm Văn Huy, Chính trị viên Đồn, cho biết: “Khi nắm được thông tin, Đồn cử ngay người xuống cùng ngành chức năng giải quyết kịp thời, từ đó đã nâng cao được ý thức của người dân trong vấn đề tố giác tội phạm, ngăn chặn và phòng chống tội phạm, đặc biệt là tình hình gây rối trật tự giảm đáng kể”.

Không chỉ giúp dân xây dựng các mô hình kinh tế phát triển, từ khi còn hơn một tháng nữa mới đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã có việc làm ý nghĩa: Mỗi ngày dành ra 1kg gạo vào “Hũ gạo tình thương” để hỗ trợ 1 hộ gia đình chính sách trên địa bàn và 1 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi trên địa bàn…

Những kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tiểu Dừa đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn quản lý yên tâm bám biển, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, đã tăng thêm niềm tin, sự đồng thuận của người dân, từng bước vun đắp tình quân dân ngày càng thêm bền chặt, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân thật sự vững mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *