Gỡ khó trong tình hình dịch Covid-19

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Lê Thanh Triều nhận định: “Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) trong thời gian gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, thì thương mại nông – lâm – thủy sản sẽ chịu những tác động tiêu cực”.

Xuất khẩu Cà Mau hiện đang gặp khó.

Xuất khẩu thủy sản gặp khó

Tổng Thư ký Hội Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP), ông Trần Hoàng Em cho biết: “Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1,15 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 6 – 7%, tương đương hơn 102 triệu USD. Riêng tháng 1/2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 6,99 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng, khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 DN xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có nhiều DN có giá trị xuất khẩu lớn: Công ty TNHH Anh Khoa, Công ty Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hòa Trung, Công ty CP Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Cường, Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Đoàn… Trước tác động từ dịch Covid-19, các DN thủy sản gặp khó trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường Trung Quốc. Ông Trần Hoàng Em nhận định: “Do đầu năm, các DN mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, phần lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các DN có thị trường lớn, truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Nguy cơ bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh, sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hóa tồn kho đối với DN trong nước. Theo đó, đã tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành”.

Ngành hàng cua Năm Căn đang khó khăn vì giá cua rớt sâu.

Theo ngành Nông nghiệp, dịch bệnh không chỉ tác động xấu đến thị trường xuất khẩu thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện nay, giá cua biển trên thị trường Cà Mau đã sụt giảm so với trước khi phát sinh dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu cũng sụt giảm nhẹ, kéo theo các mặt hàng nông sản khác cùng giảm giá.

Giá cua Cà Mau hiện giảm chỉ còn một nửa giá so với trước tết. Theo các thương lái thu mua cua biển tại Cà Mau, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính cua biển ở Cà Mau, hiện đối tác không nhập nên vựa cua chỉ thu mua cầm chừng để tiêu thu tại thị trường nội địa như quán ăn, nhà hàng…

Sát cánh hỗ trợ người dân và DN

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện ý kiến của Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau phối hợp với các đơn vị thuộc Sở có giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp ở địa phương, đồng thời nắm tình hình biến động giá cả các sản phẩm nông nghiệp có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khẩn trương báo cáo về Sở để Sở tổng hợp báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Định kỳ thứ Hai hằng tuần, Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP. Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các chi cục chuyên ngành thuộc Sở để tổng hợp theo lĩnh vực.

Đối với sản xuất tôm, nếu tôm đã đến ngày thu hoạch, khuyến cáo người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường; nếu trọng lượng tôm chưa đạt, khuyến cáo chờ thêm thời gian để bình ổn thị trường; nếu người dân chuẩn bị thả giống, khuyến cáo thả thưa. Với mặt hàng cua, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp các địa phương nắm sát tình hình dịch bệnh, nhằm đưa ra khuyến cáo kịp thời cho nông dân. Hiện Sở khuyến cáo người dân chậm thu hoạch cua, chờ theo dõi diễn biến của thị trường”.

Các doanh nghiệp mong muốn được các đơn vị tín dụng hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế như hiện nay, các DN và người dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ông Trần Hoàng Em đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các DN nắm lại tình hình cụ thể để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các DN, giảm mức lãi suất thanh toán cho một số DN thủy sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngành Điện cần có giải pháp gia hạn thời gian thu tiền điện cho các DN chế biến thủy sản xuất khẩu.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Cà Mau, một số DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 8 chi nhánh ngân hàng cho vay đối với DN xuất khẩu, với tổng dư nợ hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khoảng 377 tỷ đồng, gồm 9 DN.

Do các DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ, hàng hóa xuất đi không được, đồng thời phải mua hàng của ngư dân đánh bắt nên hàng tồn kho còn nhiều, các ngân hàng cho vay đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi vay cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *