Góp sức xây dựng quê hương cách mạng

Công tác đảm bảo an sinh của huyện U Minh có sự góp sức không nhỏ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm.

Do địa bàn sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều tuyến lộ nhánh xóm, vừa làm lộ vừa xây cầu nên huyện cần nguồn kinh phí rất lớn. Và những nhà hảo tâm đã sẻ chia, góp sức xây tặng hàng trăm cầu trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương.

Những ngày qua, người dân ngọn rạch Bà Thầy (Ấp 1, xã Nguyễn Phích) rất phấn khởi khi cầu Đồng Hương 2 được khánh thành đưa vào sử dụng, kinh phí xây dựng 90 triệu đồng do Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng ban Liên lạc Đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu vận động Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau tài trợ. “Trước đây, bà con đi lại rất khó khăn. Từ nay không còn cảnh ấy nữa, các cháu học sinh đi học cũng dễ dàng hơn”, ông Phạm Tư, người dân ấp, phấn khởi.

Cầu Đồng Hương 2 đưa vào sử dụng, điều kiện giao thương và đường đến trường của các em học sinh được thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND huyện U Minh, ông Dư Bé Ba: “Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi sau 40 năm xây dựng và phát triển, nhưng so với mặt bằng chung của tỉnh, U Minh vẫn còn là huyện nghèo. Trong số trên 1.000 hộ nghèo, đa phần nhà tạm bợ, cần sự chung tay giúp đỡ để họ an cư, lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, còn hàng trăm cầu và hàng trăm kilomet lộ nhánh xóm cần được đầu tư. Trong khi kinh phí của Nhà nước có hạn, nguồn lực trong dân còn hạn chế do mức sống của người dân còn thấp, vì vậy, Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện mong muốn được sự chung tay góp sức hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, để góp phần xây dựng quê hương U Minh ngày thêm phát triển”.

Chung sức cùng huyện xây dựng hạ tầng nông thôn, thời gian qua, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kinh phí trên 3 tỷ đồng để xây dựng tuyến lộ bê-tông kênh rạch Giồng Ông – Ngã Bát – Xóm Mới (Ấp 4, xã Nguyễn Phích), dài trên 4.000m. Công trình được xây dựng trên quê hương ông Huỳnh Quảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1930 -1931.

Thầy Phạm Hồng Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Quảng, cho biết: “Mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố, tuy nhiên trường vẫn còn thiếu một số phòng học. Thế là, trường được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng 4 phòng học, kinh phí gần 2 tỷ đồng. Từ đó, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh có chỗ học tập khang trang, mà còn góp phần để trường đủ điều kiện được tái công nhận đạt chuẩn Quốc gia sau đợt kiểm định lần 2”.

Căn nhà dột nát mà không có tiền sửa chữa, hộ anh Phan Văn Giang (Ấp 11, xã Nguyễn Phích) được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và thông qua Hội Nông dân huyện U Minh vận động chùa Hưng Nghĩa Hòa (tỉnh Bình Dương) tài trợ 30 triệu đồng, cùng số tiền tích lũy được 10 triệu đồng, gia đình đã xây dựng được căn nhà ở ổn định…

Từng được biết đến là huyện nghèo nhất của tỉnh, thế nhưng bằng sự nỗ lực qua từng năm, U Minh hiện còn 7,65% hộ nghèo, đặc biệt là không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo. Có được điều này, chính nhờ huyện triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác giảm nghèo; phân công các cấp ủy đảng, đảng viên, đoàn viên, hội viên trực tiếp phụ trách giúp đỡ hộ nghèo; tạo công ăn việc làm, truyền nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn; bên cạnh đó là phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa, trợ lực cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng ban Liên lạc Đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu, chia sẻ: “U Minh là vùng căn cứ cách mạng, đã chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương U Minh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *