Gửi “nắng ấm” đến miền Trung

160 phụ nữ huyện Trần Văn Thời tham gia gói 1.500 đòn bánh tét gửi đến miền Trung.

Năm nay, miền Trung gánh chịu đợt mưa lũ lịch sử. Hai cơn bão (số 6, số 7), một áp thấp nhiệt đới và một vùng áp thấp liên tiếp vào Biển Đông, gây những trận mưa lớn chưa từng có tại khu vực. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thiên tai liên tiếp cũng đồng nghĩa với đau thương, mất mát kéo dài. Người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, xót thương cho 13 cán bộ, chiến sĩ bị vùi sâu trong lòng đất khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế); rồi 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 mãi không về khi giúp dân xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bảo vệ tính mạng, tài sản do mưa lũ, sạt lở… Không khỏi xót xa trước thảm cảnh thai phụ đi sinh bị lũ lớn cuốn trôi, những trẻ em, cụ già thất thần trên nóc nhà chờ cứu giúp…

Xót xa, đau thương, thắt lòng… chắc hẳn ai cũng đều có chung tâm trạng ấy, khi liên tục những ngày qua tin tức và hình ảnh về miền Trung oằn mình trong bão lũ phủ đầy trên sóng truyền hình và các trang mạng xã hội, cùng lời kêu gọi góp quần áo, nhu yếu phẩm, ngày công gói bánh, góp tiền hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt.

Cùng cả nước, biết bao tấm lòng thơm thảo ở Cà Mau đã đứng ra vận động, nghĩ cách hỗ trợ sao cho thiết thực, kịp thời. Tôi quen biết chị Trần Mỹ Châu, một chủ doanh nghiệp thủy sản ở Phường 8, TP. Cà Mau, từ những chuyến đi từ thiện cùng chị. Lần này thấy chị đăng bài trên Zalo, Facebook kêu gọi đóng góp hướng về miền Trung. Ba ngày sau tôi gọi điện cho chị, định góp chút tấm lòng, nhưng chị đã cùng cộng sự đi đến Huế. “Không sao cả, em góp bao nhiêu, chị xuất giùm em rồi đưa lại chị sau. Trong đó bạn bè của chị gọi gửi nhiều lắm”. “Em gửi 500 ngàn đồng nhe chị”. “Vậy là được một suất quà, gửi cho một hộ. Chị cảm ơn em”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Cà Mau) quyên góp giúp các bạn nhỏ miền Trung.

Một tuần, chị Mỹ Châu cùng cộng sự và các thầy ở Tịnh xá Bửu An (tỉnh Bạc Liêu) đi các địa phương bị ảnh hưởng nặng của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, đã trao tay trên 900 suất quà cùng các nhu yếu phẩm, 1.000 đòn bánh tét, trị giá trên 650 triệu đồng. Mỗi nơi đến, chị đều quay phim cảnh khổ sở, thiếu thốn của bà con với suy nghĩ để mọi người cùng sẻ chia và lan tỏa việc làm tích cực cho cộng đồng. Theo dõi những cảnh quay trực tiếp từ chị, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi nghẹn ngào, xót xa! 

Ảnh hưởng của mưa bão cùng triều cường, Cà Mau quê tôi nhiều ngày qua ngập úng nặng, đường sá chìm trong nước, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và nhiều hoạt động khác của người dân. Thế nhưng bà con an ủi với nhau, dù sao mình cũng may mắn hơn đồng bào ngoài miền Trung. Lúa ngập không cắt được bằng máy thì cắt bằng tay, dù sao cũng không mất trắng; đường ngập vẫn có thể lưu thông, chứ ngoài kia nước tới nóc nhà đó sao… Nghĩ thế, những người con của quê lúa huyện Trần Văn Thời đã gác việc nhà, cùng nhau gom lá chuối, góp nếp, góp sức… gói 1.500 đòn bánh tét kịp gửi ra vùng lũ. Đang lọ mọ cuốn lá, cột dây, cụ Tô Ngọc Hòa ở xã Khánh Hưng, ngoài 70 tuổi, trải lòng: “Trong mình mới ngập vậy mà đã khổ, ngoài đó nước tới nóc nhà thì khổ cỡ nào. Nhìn thấy hình ảnhtài sản của người dân bị cuốn trôi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, khó khăn chồng chất…, tôi nghĩ phải làm gì đó để giúp họ”.

Mỗi người gửi chút nắng ấm thì miền Trung sẽ có một bầu trời nắng ấm, bằng hành động sẻ chia dù giá trị lớn hay nhỏ. Những em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Cà Mau) về nhà xin cha mẹ được đập ống heo, hoặc gom chai nhựa bán dành tiền gửi cho các bạn nhỏ ở miền Trung. Các thầy cô giáo Trường THPT Thái Thanh Hòa (huyện Đầm Dơi) gây quỹ ủng hộ bằng cách bán hàng ăn vặt. Diễn viên Đoàn Cải lương Hương Tràm kêu gọi tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ vì miền Trung. Nhóm thiện nguyện ở Phường 4, do chị Nguyễn Ly, một người khuyết tật, đứng ra vận động mì gói, quần áo, mùng mền… mang tận nơi cho bà con vùng lũ. Chị Ly xúc động: “Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh bão lũ lại ám ảnh khiến tôi không ngủ được. Chúng tôi mong muốn hàng cứu trợ của mình sẽ chia sẻ một phần nào những khó khăn mà đồng bào miền Trung phải đối mặt”.

Hình ảnh người dân miền Trung đến nhận hỗ trợ, do chị Trần Mỹ Châu ghi lại.

Đi cứu trợ vùng lũ vừa vất vả vừa nguy hiểm, mà trong lòng hạnh phúc, vui sướng vì làm được việc cần làm, vì đáp ứng được bao mong mỏi của bà con. Qua điện thoại, chị Trần Mỹ Châu chia sẻ, đi phát quà, đa phần là ngâm mình dưới nước, lại dầm mưa nên chiều về mọi người ai cũng ướt hết. “Buổi trưa, chúng tôi ăn vội bánh mì rồi lên đường tiếp, sợ chậm trễ, bà con trông. Vậy mà ngộ nghe, ai nấy đều phấn khởi, khỏe mạnh, để đi suốt một tuần”.

Người xứ đất mũi quê tôi là vậy, hào sảng mà sống có nghĩa, có tình, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Không nói chi xa, chi nhiều, gần đây nhất, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chị, nhiều anh góp sức cắt may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng người nghèo trong lúc thị trường khẩu trang khan hiếm, để mọi người cùng nâng cao ý thức phòng bệnh, để xã hội bớt lo lắng. 

Giữa hoạn nạn, thiên tai, bão lũ, miền Trung oằn mình chống chịu, nhưng đằng sau, nhân dân hai miền Bắc, Nam vẫn luôn dang tay hỗ trợ kịp thời, đúng theo truyền thống “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người có công góp công, người có của góp của để giúp miền Trung nhanh chóng vượt qua đại nạn. Ấm lòng những chuyến hàng tất bật từ vùng đất cực Nam hướng về miền Trung ruột thịt, tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần quý giá, để nhân dân miền Trung kiên cường vượt qua thiên tai, khắc phục hậu quả sau bão lũ, gầy dựng cuộc sống mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *