Gương sáng về nghị lực

Ông Trương Đăng Khoa, Bí thư Huyện ủy, tặng hoa em Nguyễn Lâm Thái, anh Nguyễn Thanh Sữa và em Huỳnh Gia Hân, tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện tổ chức.

Nhiều tấm gương nghị lực điển hình, biết đối diện và vượt qua những rào cản để vươn lên trong cuộc sống đã được tôn vinh trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” đầy ý nghĩa do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện U Minh tổ chức trong tuần qua.

Không được may mắn như những bạn học cùng trang lứa, em Nguyễn Lâm Thái (học sinh lớp 2A2, Trường Tiểu học Trường An) từ khi lọt lòng mẹ, hai tay đã không lành lặn. Năm Thái lên 7 tuổi, người cha dứt áo ra đi, bỏ lại người vợ cùng đứa con tật nguyền. Hiện tại hai mẹ con sống bên nhà ngoại, ngày ngày trên con đường nhỏ mẹ vẫn thường chở em đến lớp, có lúc nhiều bạn xung quanh vô tình trêu chọc đôi bàn tay của em, những giọt nước mắt buồn tủi lại rơi. Nhưng với sự động viên của mẹ và thầy cô, ngày ngày em vẫn đến lớp. Lúc mới tập viết, bàn tay phải rất khó cử động vì chỉ có ba ngón, trong đó có hai ngón dính liền nhau, nhưng với quyết tâm và lòng hiếu học cũng như tình yêu thương của mẹ, Thái đã có thể viết được và là học sinh rất chăm ngoan trong lớp, năm học vừa qua em đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Em Huỳnh Gia Hân (học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Thái Văn Lung) sinh ra trong gia đình có hai chị em. Ngay từ nhỏ cả hai chị em đều mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh, chứng bệnh làm em cảm thấy rất mệt mỏi, dẫn đến việc tiếp thu bài cũng hạn chế. Dù sức yếu, nhưng với lòng hiếu học em luôn cố gắng trong học tập, trên lớp luôn chăm chú nghe giảng bài, về nhà tranh thủ vừa phụ giúp mẹ trong các công việc đơn giản vừa ôn bài và xem bài mới. Với nỗ lực vượt qua bệnh tật, năm học vừa qua, em là học sinh giỏi của trường. Hân chia sẻ: “Sau này em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người và chữa cho những người bị bệnh như em”.

Dù phải di chuyển bằng đôi tay, nhưng anh Nguyễn Thanh Sữa (xã Nguyễn Phích) đã làm nên những việc “phi thường”. Anh Sữa cho biết, khi lên 5 tuổi anh bị bệnh sốt bại liệt và kể từ đó đến nay đôi chân anh bị teo tóp không đi lại được. Nhà nghèo, không có điều kiện đến trường, hằng ngày thấy chúng bạn cắp sách đến trường, anh lại chạnh lòng. Vượt qua những mặc cảm của bản thân, anh vươn lên trong phát triển kinh tế. Nhận thấy mình không làm việc nặng được nên anh chọn mô hình nuôi trăn. Để có tiền mua rập bẫy chuột, anh phải ngâm mình hàng giờ dưới sông để đặt lú. Một người bình thường khi xuống sông đặt lú đã khó, với anh lại càng khó hơn. Anh Sữa chia sẻ cách làm của mình: “Muốn lặn sâu mà không bị nước cuốn trôi thì cột dây vào eo, cột đầu dây còn lại vào mũi xuồng, rồi lặn xuống cột dây lú”. Bằng nghị lực vượt khó, anh phát triển mô hình nuôi trăn thịt ngày thêm hiệu quả, anh còn cho trăn giống sinh sản để bán. Bên cạnh đó, thời gian rảnh, anh Sữa trồng thêm hoa màu và cây ăn trái trên vườn nhà, vừa cải thiện bữa ăn vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Em Nguyễn Lâm Thái, Huỳnh Gia Hân và anh Nguyễn Thanh Sữa đã chứng minh cho mọi người thấy rằng không có việc gì khó nếu chúng ta biết vượt qua nghịch cảnh của bản thân để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Anh Phạm Việt Xô, Phó Bí thư Huyện Đoàn: “Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách. Có những nỗi đau vẫn là nỗi đau khi chúng ta không biết tự thoát khỏi chúng. Cuộc sống chính là môi trường tốt nhất để con người tự rèn luyện. Nếu bản thân mỗi người không tự rèn luyện cho mình có một nghị lực, một sức mạnh tiềm tàng thì khó có thể đương đầu với tất cả những khó khăn phía trước”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *