Hạn mặn đã gây thiệt hại khá nặng nề

Đoàn công tác tỉnh và huyện chia 3 tổ đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển, tái định cư; ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; công tác chủ động ứng phó dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện U Minh. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (giữa) kiểm tra tình hình sạt lở trên tuyến đê biển Tây, đoạn Hương Mai – Tiểu Dừa.

Phó Chủ tịch UBND huyện – ông Ngô Thanh Điền cho biết, đến nay trên địa bàn có 4 tuyến kênh sạt lở bờ và 3 đoạn sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Khô hạn đã gây thiệt hại trên 9.300ha sản xuất lúa, chủ yếu là diện tích lúa – tôm, lúa đông xuân. Nắng nóng kéo dài cũng đã làm khô hạn hoàn toàn diện tích lâm phần với trên 33.668ha, trong đó có đến 2.469ha rừng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

“Toàn huyện hiện có 1.682 hộ đang thiếu và khó khăn về nước sạch sinh hoạt, trong đó tập trung nhiều trên địa bàn xã Khánh An với 570 hộ”, ông Điền thông tin.

Phải kịp thời, minh bạch, đúng theo quy định

Tổ công tác khảo sát tình hình hạn hán gây thiệt hại trên diện tích lúa tại xã Khánh Lâm.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, độ mặn hiện nay đã cao hơn đỉnh hạn mặn lịch sử năm 2016 từ 2 – 3‰. Cụ thể, mức đo tại trạm Cà Mau hiện đã ở mức 29‰, trạm Sông Đốc ở mức 32‰. “Dự báo hạn hán sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4, độ mặn khả năng sẽ tiếp tục tăng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng, tiếp tục gây hại lên cây trồng, vật nuôi”, ông Hoai chia sẻ.

Ông Hoai cho rằng, căn cứ theo quy định, Cà Mau đủ điều kiện công bố thiên tai cấp 1, làm cơ sở xem xét hỗ trợ thiệt hại sản xuất.

“Đây là việc làm rất quan trọng, phải thực hiện kịp thời, nhưng phải minh bạch, đúng theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nói về việc công bố thiên tai, hỗ trợ thiệt hại sản xuất do hạn, mặn.

Vẫn chưa đảm bảo sinh kế tại khu tái định cư

Một nghịch lý được Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra là, hiện nay có khá nhiều hộ nhận nền tại các khu tái định cư trên địa bàn xã Khánh Tiến nhưng không ở mà bỏ đi làm ăn xa, trong khi đó thì còn nhiều hộ dân đang ở ngoài đê biển, chưa có nền để di dời họ vào để ổn định cuộc sống.

Trên địa bàn huyện có nhiều khu tái định cư, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả. Trong khi đó, hiện còn nhiều hộ dân ở ngoài đê chưa được di dời vào.

Liên quan đến vấn đề tái định cư, ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, nguyên nhân người vào khu tái định cư phải bỏ đi là vì các điều kiện, nhất là về hạ tầng cho cuộc sống, đặc biệt là sinh kế tại đây thiếu đảm bảo. “Tái định cư mà không gắn với định canh, nên họ bỏ đi rất nhiều. Vận động người dân ở ngoài đê vào đây đã khó, mà thực tế hiện nay tại khu tái định cư thì việc vận động bà con càng thêm khó khăn”, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện nêu thực trạng.

Được biết, hiện Trung ương đã có gói hỗ trợ tỉnh Cà Mau 10 tỷ đồng phục vụ công tác tái định cư khu vực biển Tây, tuy nhiên địa phương chưa thể phân khai.

Khuyến cáo người dân chuyển đổi giống lúa ngay vụ mùa tới để tránh thiệt hại do hạn mặn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện U Minh.

Điểm qua những khó khăn phải đối mặt trong năm 2020, nhất là dịch chồng dịch, thiên tai…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng sẽ còn nhiều thách thức, cần sự chung tay, góp sức mạnh mẽ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, quyết tâm khắc phục những bất lợi, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.  

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sử nhận định, hạn hán đã gây thiệt hại khá nặng nề trên địa bàn, nhất là ở vùng ngọt; đã có trên 20.000ha lúa – tôm bị thiệt hại do độ mặn tăng cao. “Tháng 9/2019, đã có cảnh báo về tình hình thiên tai, tuy nhiên sự chủ động của chúng ta, nhất là về lịch thời vụ, chuyển đổi sản xuất còn chậm. Dù cách đây 3 năm đã khuyến cáo không sử dụng giống lúa mùa (một bụi đỏ) cho vụ lúa – tôm, nhưng đến nay người dân vẫn sử dụng, dẫn đến thiệt hại khi độ mặn tăng cao”, ông Sử nêu thực tế, đồng thời chỉ đạo, ngay từ bây giờ phải chủ động, khuyến cáo để người dân đăng ký sản xuất theo giống lúa ngắn ngày ST 24 cho vụ mùa tới.

Với tình hình sụt lún, sạt lở, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải theo dõi chặt chẽ, khảo sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những điểm có nguy cơ, có biện pháp phù hợp để ngăn chặn, phòng ngừa. Đối với những điểm đã xảy ra sự cố, cần có biện pháp đảm bảo an toàn…

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 vị trí bị sạt lở, sụt lún do hạn hán, trong đó có khoảng 600 vị trí ảnh hưởng đến hệ thống giao thông bộ với chiều dài trên 21km.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *