Hàng thủy sản “thời nCoV”

Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi không nên hoang mang, cần thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền và ngành chức năng để tránh bị thiệt hại kinh tế.

Cua giảm giá mạnh, song chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất

Theo báo cáo nhanh của ngành Nông nghiệp, tổng sản lượng cua của tỉnh khoảng 20.000 tấn/năm. Trong đó, huyện Năm Căn được biết đến là địa phương chủ lực, cung ứng cho thị trường từ 16 – 20 tấn cua mỗi ngày tùy theo thời điểm, ít nhất cũng vào khoảng 10 tấn cua/ngày. Hiện nay, Năm Căn đang gặp khó khi giá cua liên tục sụt giảm. Nếu như trước Tết Nguyên đán vừa qua, cua gạch tại huyện có giá 650 – 700 ngàn đồng/kg, cua y loại 1 có giá 400 – 500 ngàn đồng/kg thì hiện nay, cua gạch được thương lái thu mua với giá 320.000 đồng/kg hoặc thấp hơn, cua y loại 1 có giá 250.000 đồng/kg. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có hơn 20 cơ sở thu mua thì đến nay 70 – 80% các cơ sở ngưng hoạt động.

Ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện, cho biết: “Khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh thì hầu như đóng băng thị trường thu mua. Các cơ sở thu mua cua không thực hiện giao dịch và cũng không xuất được, số cơ sở nhỏ lẻ khác thì còn bán trong nước. Cũng có cơ sở xuất bán sang Singapore, nhưng khách hàng lớn là Trung Quốc, giá cả giao dịch phụ thuộc hết vào thị trường Trung Quốc, nên xảy ra dịch bệnh thì giá cả của con cua trên thị trường bị sụt giảm mạnh”. Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cua biển Nam (thị trấn Năm Căn): “Hiện sản phẩm của bà con nông dân sản xuất ra không có chỗ tiêu thụ, phải bán tháo bán lỗ. Tôi kiến nghị mở rộng xuất bán sang các quốc gia khác, không riêng gì Trung Quốc”.

Lý giải về vấn đề này, theo ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân giá cua sụt giảm mạnh, phần lớn là do tác động từ thị trường Trung Quốc, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra; một phần là do quy luật thị trường, những mặt hàng cung ứng phục vụ thị trường trước Tết Nguyên đán bao giờ giá cũng cao và sau tết sẽ hạ giá trở lại. “Tuy nhiên, hiện tại, việc cua bị giảm giá chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, lý do con cua có thời gian nuôi dài, thu hoạch cũng không tập trung, rải rác và có thể kéo dài thời gian thu hoạch. Nếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trong vòng thời gian một tháng hoặc hơn một tháng thì chúng ta vẫn có thể cầm cự được. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì việc xuất khẩu hàng hóa có khả năng phục hồi trở lại”.

Giá cua hiện đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh, nhiều cơ sở thu mua tạm ngưng hoạt động.

Giá tôm chưa bị tác động nhiều

Ghi nhận thị trường cho thấy, giá tôm nguyên liệu cũng có dấu hiệu sụt giảm nhưng không nhiều, chủ yếu là tôm thẻ hầm đất, tôm thẻ ao bạt. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá tôm thẻ giảm từ 10 – 15 ngàn đồng/kg, còn giá tôm sú cỡ 20 con/kg và cỡ 40 con/kg thì không biến động, tôm sú 30 con/kg giảm khoảng 5 – 10 ngàn đồng/kg. Theo ngành chuyên môn, giá tôm chưa bị tác động nhiều, vì ngoài thị trường Trung Quốc, ngành tôm Việt Nam xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Châu Công Bằng, các khuyến cáo ngưng thu hoạch tôm hay ngưng thả giống là chưa phù hợp trong điều kiện này, vì vẫn còn nhiều thị trường lớn hoạt động. Chính quyền các cấp và người dân nên theo dõi sát tình hình, để có chỉ đạo và sản xuất phù hợp với từng điều kiện cụ thể. “Với những thị trường tốt đang thu mua thì giá cả chưa có biến động. Đối với những doanh nghiệp xuất sang thị trường Trung Quốc, giá cả có biến động mạnh thì nên khuyến cáo bà con giãn thời gian thu hoạch”, ông Bằng nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *