Hành trình xây thương hiệu “Gạo sạch Ông Muộn” ST24

Bằng nội lực và sự đồng hành của ngành chức năng, không bao lâu nữa gạo sạch Ông Muộn ST24 sẽ vươn tầm thế giới.

Nhiều người bảo rằng, anh Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc HTX này “chảnh” lắm, người ta biết đến chất lượng và thương hiệu gạo sạch Ông Muộn, hỏi mua nhiều cũng không bán. Nhưng ít ai biết rằng đây là một “chiến thuật” kinh doanh trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo sạch còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ. Đây cũng là “chiến lược kinh doanh” của những nông dân chính hiệu. Mỗi một người dùng gạo sạch Ông Muộn hài lòng sẽ lan truyền ra cộng đồng cho nhiều người nữa. Những người đầu tàu của HTX luôn nghĩ xây thương hiệu đã khó, làm sao cho nhiều người biết đến càng khó hơn; chính vì thế phải đi thật chậm và chắc. Họ là những người dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, bởi họ có một tình yêu đặc biệt với cây lúa và hạt gạo, đặc biệt là lúa hữu cơ và gạo sạch mang tên địa danh nơi họ được sinh ra và trưởng thành – Ông Muộn.

Anh Tiếp trần tình với lòng biết ơn và nhiều kỳ vọng: “Trong hành trình gian khó vừa qua, HTX nhận được sự quan tâm đặc biệt của Liên minh HTX, ngành Nông nghiệp, rồi ngành Công thương. Quan tâm từ khi “thai nghén” ý tưởng, tượng hình rồi phát triển; đem thành phẩm đi xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; góp phần đưa thương hiệu gạo sạch đi xa”.

Những năm gần đây, ở các vùng nông thôn từng chuyển dịch cơ cấu trong tỉnh, mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm nổi lên như một hiện tượng, bởi năng suất, sản lượng lúa cũng như chất lượng gạo trên đất nuôi tôm. Mô hình trồng lúa sạch trên đất nuôi tôm dần lấy được lòng dân bởi năng suất vụ mùa và chất lượng hạt gạo mà nó mang lại khiến người trồng lúa an tâm. Ngày 30/10/2018, HTX đã được thành lập với nhiều kỳ vọng của nông dân xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau.

Hai anh em Nguyễn Văn Toàn (phải) và Nguyễn Văn Tiếp tiên phong tạo dựng thương hiệu gạo sạch Ông Muộn.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, phân tích: “Lúa trên đất nuôi tôm mỗi năm chỉ có 1 vụ, lượng phù sa còn nhiều, chưa được phân giải sau vụ tôm. Chính vì thế, sau khi xả nước mặn để lấy nước ngọt cho vụ lúa thì đây là nguồn thức ăn hữu cơ dồi dào cho cây lúa. Thêm vào đó, phân từ tôm cá tích tụ, bón thức ăn cho cây lúa là cực kỳ tốt. Ban đầu, HTX chỉ có 28ha trồng lúa hữu cơ và liên doanh, liên kết với các hộ dân quanh ấp thêm được 182ha nữa; sau 100 ngày chờ đợi với bao thấp thỏm, âu lo của các xã viên trong HTX, vụ vừa qua, năng suất trung bình khoảng 63 tấn/ha, với giá được bao tiêu là 7.000 đồng/kg đối với giống lúa ST24 và 6.000 đồng/kg đối với giống lúa 6162; tăng cả về chất lẫn lượng so với sản xuất lúa truyền thống trước đây và quan trọng hơn là tăng niềm tin của các xã viên trong HTX, bởi họ đang đi vào làm ăn theo mô hình HTX kiểu mới, với bao hoài nghi ban đầu. Tính tới thời điểm này, hầu như tất cả các xã viên đều nhìn về một hướng, chung lòng vì gạo sạch Ông Muộn phát triển bền vững”.

Anh Toàn chia sẻ thêm về quy trình sản xuất gạo sạch Ông Muộn: “Lúa sẽ được gia công ở nhà máy đạt chuẩn, phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, là lúa trên đồng đất Ông Muộn hay những địa phương lân cận nhưng phải theo quy trình sản xuất hữu cơ trên đất lúa tôm và phải được bảo quản tốt trước khi đem đến nhà máy. Giống lúa trước khi gieo sạ cũng phải được xét nghiệm và phân tích mẫu rõ ràng, đúng chuẩn. Sau khi gạo được mang từ nhà máy về phải được sàng tay, lựa lại thật kỹ trước khi đóng gói”.

Năm 2029, sản lượng gạo thành phẩm là 50 tấn và đến năm 2020 thì con số này tăng hơn nhiều lần; đến thời điểm này đã bán hết, nhiều đơn hàng lớn của khách từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đã được hẹn lại vào vụ tới này, với kế hoạch sản xuất 200 tấn lúa cho vụ mới này.

Nhớ về chuyện cũ, hai anh em Toàn – Tiếp cười hiền: “Từ cuối năm 2019 đến đầu tháng 4 vừa qua, sau 5 tháng mà chưa bán ra được ký gạo nào; các thành viên trụ cột trong HTX ngồi lại và đã tính đến việc bán tháo, bán chạy, “bung ra” mới có vốn mà tái đầu tư cho vụ mùa sau. May thay, Liên minh HTX tỉnh đài thọ hết chi phí và cho đi xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí  Minh. Qua đợt đó cũng bán được vài trăm ký, vài tuần sau đó, một anh tên An, người quen được từ hội chợ gọi điện đặt hàng 500kg rồi đến 1 tấn. Thế là HTX có “máu” trở lại và tái đầu tư để sản xuất thêm, tự tin và chà nhiều gạo hơn nữa. Giờ đây anh An đỡ trở thành nhà phân phối gạo lớn của HTX tại TP. Hồ Chí Minh”.

Hôm chúng tôi ghé thăm, anh Tiếp rối rít khoe, cũng qua hội chợ lần đó, HTX được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh tặng giấy khen. Điều anh tâm đắc nhất qua các lần đi xúc tiến thương mại là ngoài gạo ra thì các đặc sản đặc trưng của Cà Mau: Tôm khô, cua, ba khía, bồn bồn… cũng được ưu tiên lựa chọn. Đến giờ, HTX luôn biết ơn Liên minh HTX tỉnh khi “đẻ” ra HTX và luôn đồng hành cùng mỗi bước đi của “đứa con” mà mình “thai nghén”.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Thủy sản Ông Muộn đã góp phần khẳng định chất lượng lúa trên đất nuôi tôm của xã Lý Văn Lâm.

Anh Tâm tiếp lời: “Khi Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng) – “cha đẻ” của gạo ST25 vươn tầm thế giới – khẳng định gạo ST25 là ngon nhất, thì chú Hồ Quang Cua cũng đã trở thành anh hùng của những xã viên HTX, là động lực phấn đấu cho các xã viên vượt qua khi gặp khó. Cũng từ ngày đó, các đơn hàng lẻ cũng như sỉ của HTX cũng tăng lên, các xã viên rất phấn khởi vì có thêm động lực để phấn đấu”.

Một đặc trưng trở thành lợi thế của lúa – tôm Lý Văn Lâm cũng như Ông Muộn so với các đồng đất lúa tôm khác trong tỉnh là máy cắt hoạt động được, chất lượng và năng suất lúa luôn cao hơn và đương nhiên chất lượng gạo cũng theo đó mà tăng lên. Lúa cắt xong rất sạch, không thấm nước, được chuyển vào máy sấy liền. Chính vì thế gạo thành phẩm rất đẹp.

Năm qua, HTX cũng đã trang bị được máy gặt gần 600 triệu đồng với sự trợ lực 30% kinh phí từ Liên minh HTX Việt Nam. Nói thế để thấy, trong hành trình xây thương hiệu gạo sạch này, HTX không đơn độc, mà luôn có sự đồng hành tích cực từ nhiều phía, có vậy, xã viên mới an tâm mà đi đến đích.

Uy tín và thương hiệu ngày càng khẳng định, minh chứng là cuối năm qua, tại một hội chợ khác ở TP. Hồ Chí Minh, liên tục thiếu hàng, chỉ 4 ngày hội chợ diễn ra mà hàng phải liên tục chuyển từ Cà Mau lên.

Cũng như nhiều HTX khác trong tỉnh, rào cản lớn nhất hiện nay của HTX là vốn. Ít ai biết rằng vốn điều lệ của HTX Ông Muộn rất ít; nhưng được cái anh em trong HTX đoàn kết. Vốn được giúp đỡ xoay vòng giữa các xã viên; người mạnh vốn thì nâng cho người ít vốn và cứ thế chung sức, cùng vì hạt gạo sạch mang tên địa danh mình sinh sống.

Một thông tin vui là năm nay xã Lý Văn Lâm sẽ được đầu tư trồng 70ha lúa hữu cơ chuẩn VietGAP, anh em HTX vô cùng phấn khởi vì đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để HTX mua, chế biến, phục vụ cho các đơn hàng lớn từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hôm chúng tôi ghé thăm, khách hàng từ Hà Nội cứ gọi cho anh Tiếp để đặt hàng gạo và hối thúc chuyển gạo ra; khách hàng ở Phường 1, TP. Cà Mau, cũng kêu giao đỡ 100kg gạo giống 6162 ăn đỡ trong thời gian chờ gạo ST24. Nói thế để thấy, bằng hướng đi đúng của HTX, đến nay, gạo sạch Ông Muộn đã được lòng người tiêu dùng; tin chắc rằng bằng nội lực và sự đồng hành của ngành chức năng, không bao lâu, gạo sạch Ông Muộn ST24 sẽ vươn tầm thế giới, khẳng định thương hiệu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *