Hãy thay đổi thói quen sử dụng nước hàng ngày!

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã chuẩn bị 2 xe bồn chở nước lưu động, thể tích 8 và 4 khối nước, phục vụ bà con vùng khát.

Mỗi người dân cần sử dụng nước tiết kiệm

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2019 có gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Riêng tại Việt Nam, BĐKH đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất… Thấy rằng, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường.

Thông điệp Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới để cộng đồng hướng đến là sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với BĐKH. Vì thế cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trên các lưu vực sông, kênh, rạch; thu gom xử lý ô nhiễm từ nguồn nước; khuyến khích đầu tư vào công nghiệp xử lý nước thải. Các cấp chính quyền và nhân dân cần tham gia tích cực, chủ động trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai về nước và khí hậu để không bị bất ngờ bởi lũ lụt và có đủ thời gian để ứng phó với hạn hán. Các ngành sử dụng nhiều nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy… cần có các giải pháp chiến lược, căn cơ để ứng phó với diễn biến bất thường của tài nguyên nước trong bối cảnh BĐKH; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, cùng với các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước. Mỗi người dân sử dụng nước tiết kiệm hàng ngày, tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước là những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với BĐKH.

Vận chuyển 2.000m ống, để thi công mở rộng mạng đường ống cấp nước cho dân cư trên địa bàn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Hành động để “giải khát” cho dân

Tỉnh Cà Mau hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) trong điều kiện BĐKH phức tạp, tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Vì vậy hoạt động hưởng ứng thiết thực nhất là kịp thời “giải khát” cho hơn 20.000 hộ dân đang thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung phần nhiều ở huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay, qua rà soát, khảo sát thực tế, tỉnh phân chia theo 4 nhóm đối tượng thiếu nước sinh hoạt và có giải pháp cụ thể cho từng nhóm. Theo đó, Cà Mau khẩn trương hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho các hộ dân ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán. Mở rộng mạng đường ống cấp nước cho nhóm dân cư tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị cấp nước chủ động cấp nước luân phiên theo tuyến, theo giờ, đảm bảo người dân lân cận có nước sử dụng…

Để “giải khát” cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phân khai 70 tỷ đồng cho tỉnh Cà Mau thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách. Cùng với giải pháp công trình, tỉnh kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng chung tay giúp Cà Mau vượt qua hạn hán. Qua ghi nhận, những ngày qua hoạt động này nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, đơn vị. Đồng thời tỉnh đã chuẩn bị 2 xe bồn chở nước lưu động, thể tích 8 khối nước và 4 khối nước, vận chuyển phục vụ bà con; tặng hộ nghèo, cận nghèo các can nhựa để thuận tiện lấy nước, trữ nước sinh hoạt.

Mới đây, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa chuyển giao cho tỉnh Cà Mau 6 cụm công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất công suất từ 500 – 1.000m3/trạm. Trong năm nay, Trung tâm sẽ tiến hành khoan thăm dò nghiên cứu 4 cụm với tổng số 12 lỗ khoan. Dự kiến, cuối năm sẽ hoàn thành và bàn giao bộ sản phẩm, cơ sở dữ liệu và các giải pháp khai thác sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất cho tỉnh Cà Mau, góp phần giải quyết nhu cầu về nguồn nước cho người dân địa phương, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH ngày càng gay gắt.

 Về lâu dài, Cà Mau đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cơ cấu lại thời vụ và giống cây trồng vật nuôi phù hợp trong điều kiện hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp theo từng năm…, đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét cho triển khai xây dựng hồ trữ nước ngọt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ, vừa cung cấp cho dân sử dụng, vừa phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng. Đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về Cà Mau nhằm bổ sung cho vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp, vùng U Minh Hạ và vùng Nam Cà Mau, khi đó Cà Mau sẽ không còn “khát nước” vào mùa khô.

Đồng thời hướng đến mục tiêu đến năm 2030 có 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 70% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mekong. Do đó, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt mùa mưa. Đó là lý do mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của người dân lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy. Thực trạng ấy và hành động trước mắt cũng như lâu dài đều nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân sao cho sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; thực hiện tốt khẩu hiệu “Đo đếm từng hạt mưa – Chắt chiu từng giọt nước”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *