Hệ lụy từ tín dụng đen Kỳ 2: Khi tín dụng đen hoành hành

Vay dễ – trả khó

Những tin nhắn đe dọa gây bấn loạn tinh thần và còn vô số chiêu trò khác của bọn cho vay lãi cao hòng đòi nợ người vay.

Qua tìm hiểu, đa phần các hộ vay không tìm hiểu kỹ hồ sơ cũng như không đọc kỹ các mục thông tin trong hợp đồng vay, chỉ tin lời hướng dẫn của các “nhân viên”, đến khi không còn khả năng trả, tính lại thì mới biết lãi suất quá cao (từ 20 – 30%). Và thế là không tránh khỏi lâm vào tình cảnh nợ chất chồng khi chậm trả là bị phạt nặng, lãi lại chồng lãi.

Chị H.K.H (ấp Mỹ Tân, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), khóc ròng khi tường thuật lại hoàn cảnh gia đình phải vay tiền của “ngân hàng trên cây”. Khoảng năm 2015, liên tục các hầm tôm bị “bể”, không còn vốn để nuôi vụ mới, gia đình chị quyết định vay tiền theo hình thức không tín chấp. Ban đầu chỉ vay 20 triệu đồng (nhưng thực nhận chỉ 18,5 triệu đồng) để vượt qua cơn khốn khó, với thời hạn 24 tháng, mỗi tháng phải trả hơn 1,2 triệu đồng. Nhưng không may, vụ tôm đó thất bại, mất luôn cả vốn. Lại mắc thêm khoản nợ của “ngân hàng”, vợ chồng chị H. cố gắng chạy vạy trả được 15 kỳ, đến kỳ thứ 16 thì hết khả năng chi trả. Lúc này, chị nhận được thông báo còn thiếu “ngân hàng” trên 13 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. 

Chị H. cho biết: “Ngoài mức lãi trên 2%/tháng theo thỏa thuận ban đầu, tôi còn phải trả nhiều khoản khác mà chính tôi cũng không biết: Lãi phạt quá hạn (dù chị H. đã nộp đúng thời hạn – NV), lãi gộp cộng dồn… nên thực tế số tiền tôi phải trả cao gấp 2 – 3 lần số tiền đã vay. Với số tiền vay ban đầu chỉ 20 triệu đồng (thực nhận 18,5 triệu đồng – NV) chưa đầy 24 tháng đã “nở” ra trên 40 triệu đồng và kèm theo đó là vô vàn số máy lạ gọi đến hăm dọa, khủng bố tinh thần, bất kể ngày đêm”. Đến lúc này chị mới giật mình, lục tìm số điện thoại của người tư vấn ban đầu để tìm hiểu thông tin thì phía đầu dây bên kia đã không còn liên hệ được nữa.

Tương tự có hộ bà P.T.M, cùng ấp. Bà M. cho biết, gia đình là hộ nghèo, không có điều kiện sản xuất, vì cần tiền mua lú cho con trai đặt dưới sông để tăng thêm thu nhập mà vay hỏi khắp nơi không được, nên năm 2016 khi thấy tờ quảng cáo cho vay không tín chấp, bà gọi thử thì được “hứa” cho vay. Bà cứ nghĩ đơn giản, có tiền mua dàn lú đặt, mỗi tháng kiếm được vài triệu đồng, đóng lãi có hơn 1 triệu thì chắc ổn.

“Ngân hàng” cho vay có logo hẳn hoi, chi nhánh tại Cà Mau. Cộng với lời tư vấn và lãi suất thỏa thuận nên bà M. không mảy may nghi ngờ. Được giải ngân 21 triệu đồng, bà như vớ được “phao cứu sinh” nên không ngần ngại ký vào hợp đồng vay vốn với thời hạn trả là 30 tháng, mỗi tháng trả hơn 1,4 triệu đồng.

Thực hiện theo hợp đồng, bà trả lãi được 23 tháng thì không còn khả năng chi trả. Lúc này bà nhận được giấy đòi nợ, thông báo bà còn thiếu trên 10 triệu đồng. Tính ra mới biết, tổng tiền bà đã trả trong 23 tháng là khoảng 32,8 triệu đồng, cộng với số tiền còn thiếu theo giấy báo thì tổng số tiền phải trả trên 47 triệu đồng, lãi suất cao hơn 20%.

Trên thực tế, những hộ vay vốn của “ngân hàng trên cây” chỉ biết số tiền phải trả hằng tháng mà không nắm được chính xác số tiền mình còn thiếu, vì phía người cho vay đã “nắm cán” và buộc người vay phải thực hiện đúng yêu cầu mà họ đã đưa ra.

Khủng bố tinh thần

Những thông tin cá nhân sẽ được công bố rộng rãi trên trang mạng xã hội nếu chậm trả lãi cho chủ nợ.

Gọi điện lúc 0 giờ, hay nhắn tin đe dọa, gọi điện thoại chửi bới người thân là những gì mà đường dây tín dụng đen đang thực hiện đối với các con nợ. Bà M. nói: “Nửa đêm nghe chuông điện thoại reo, thấy số lạ, định bụng không nghe máy nhưng nghĩ người quen gọi có chuyện gấp nên tôi bắt máy, thì nghe đầu dây bên kia giọng người nữ chửi liên tục với lời lẽ rất khó nghe, thậm chí thô tục, chửi cả dòng họ nhà tôi, không cho tôi xen vào được câu nào… Hết chịu nổi, tôi tắt máy và những ngày sau cứ một ngày tôi có từ 5 – 7 cuộc gọi từ những số lạ khác nhau”.

Có một nghịch lý là những số điện thoại điện cho vay tiền chỉ gọi được 1 chiều. Những hộ này muốn gọi lại cũng không được. Cứ như thế, có khi ngày gọi từ 5 – 7 lần, lần nào cũng chửi bới rồi cúp máy, mỗi lần là một số điện thoại khác.

Chưa dừng lại đó, những hộ này liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa. Chị H. cho biết, đã có người đến nhà chị xưng là nhân viên của Công ty Luật TNHH V.L, chi nhánh Cà Mau, thông báo nếu như hộ chị H. không trả đủ số tiền mà ngân hàng yêu cầu thì bị khởi tố theo Bộ luật Hình sự. Liên tục sau đó, chị nhận được vô số tin nhắn từ số điện thoại lạ, với nội dung như: “Tin nhắn khẩn cấp, Cơ quan Thi hành án TP. HCM yêu cầu bà H.K.H lúc 8 giờ 30 phút ngày 10/9 phải có mặt tại tòa án huyện để giải quyết tổng khoản nợ để kết thúc hợp đồng. Trong trường họp vắng mặt thì bị cấu thành tội danh lừa đảo, chiếm dụng tài sản của NHNN theo  khoản 1, Điều 139 – 141 của Bộ luật Hình sự. Nếu hết ngày 10/9 mà chưa hoàn tất đầy đủ hồ sơ số nợ trên và cố tình rời khỏi nơi cư trú thì Phòng Cảnh sát PC46 sẽ gửi lệnh truy tìm thông tin tại 63 tỉnh, thành”.

Mặt khác, đường dây này còn nhiều “chiêu trò” để ép con nợ phải trả tiền bằng cách hạ uy tín và danh dự của người vay. Như hộ chị H.N.N (xã Thanh Tùng, huyện  Đầm Dơi), bị đưa lên mạng xã hội với thông tin kêu gọi cảnh giác đối tượng này vì đã cấu kết với người thân hòng vay vốn để chiếm đoạt tài sản, kèm theo đó là hình ảnh cùng với giấy chứng minh. Chị N. tức nghẹn: “Chưa dừng lại đó, chúng còn điện thoại chửi bới cha mẹ tôi, những người mà tôi đã cung cấp thông tin cho chúng khi làm thủ tục vay tiền. Mình cứ nghĩ cho họ thông tin để hợp thức hóa hợp đồng và chứng minh mình là người vùng này, không gian lận hay lừa gạt”. 

Ông Võ Kiên Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Cà Mau, khuyến cáo: Với những đối tượng của đường dây tín dụng đen, để lấy lòng tin của người vay, chúng lấy mẫu hợp đồng, lựa tên hoặc logo của một ngân hàng có uy tín để làm hợp đồng cho vay. Đa phần những đường dây này, chúng không có ký tên của bên cho vay, trong hồ sơ cũng không ghi rõ lãi suất. Đây là điểm khác biệt giữa cho vay chính thống và cho vay của đường dây tín dụng đen.

Chỉ vì nhẹ dạ cho số điện thoại của người thân mà cả nhà đã bị liên lụy. Hết nhắn tin, chúng lại hăm he gây hoang mang, thậm chí có những hộ bỏ đi xứ khác vì sợ.

Những ngày này, không chỉ những người dân bị vướng vào đường dây tín dụng đen mới nơm nớp lo sợ mà người thân của họ cũng nằm trong “danh sách đen” của nhóm đối tượng này.

Thực tế cho thấy, hệ lụy do vay tín dụng đen không chỉ là lãi suất “cắt cổ”, làm cho bao gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, mà còn dẫn đến nhiều hành vi vi phạm: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng…

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, đường dây tín dụng đen thường núp bóng dưới hình thức công ty tài chính. Mục tiêu chúng nhắm đến không chỉ là những đối tượng ăn chơi, mà còn là những hộ dân ở vùng sâu, vùng xa kém hiểu biết. Thường chúng sẽ không ra mặt, trực tiếp tư vấn mà thông qua trung gian là người địa phương, nắm rõ “đường đi nước bước” với danh xưng nhân viên của ngân hàng A, B nào đó, trực tiếp đến từng nhà để tư vấn. Thông qua những hồ sơ được giải ngân, nhân viên đó sẽ hưởng phần trăm trên hồ sơ, tùy theo số tiền vay nhiều hay ít.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *