Hệ lụy từ tín dụng đen

Kỳ 1: Những “con thiêu thân”…

Nắm được tâm lý của người dân ít hiểu biết, đường dây tín dụng đen hoạt động ngày càng “nhộn nhịp” và có rất nhiều người đã trở thành những miếng “mồi” béo bở cho đường dây hoạt động trá hình này.

Bà Hồ Kim Xuyến (bìa trái) trình báo với lực lượng chức năng về quá trình vay tiền và giờ đã hết khả năng chi trả.

Lời mời chào “có cánh”

Dọc theo các tuyến lộ liên huyện, liên ấp, rất dễ bắt gặp những biển quảng cáo cho vay “mọc đầy” hai bên đường. Chúng được treo trực tiếp trên những cột điện, thân cây to cao thẳng vào tầm nhìn của người đi đường. Thậm chí ở những con đường nông thôn cũng chằng chịt biển quảng cáo chào mời cho vay không cần thế chấp, với tên người liên hệ cùng số điện thoại sẵn sàng tư vấn khi khách hàng có nhu cầu.

Không chỉ dừng lại đó, giấy quảng cáo còn được dán vào hộp đựng đũa tại các quán ăn, làm giấy gói bánh mì… Nhìn chung, ở đâu, lúc nào, người dân cũng dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng “sụp bẫy” nếu có nhu cầu vay vốn.

Như trên tuyến lộ liên huyện từ xã Nguyễn Phích về trung tâm thị trấn U Minh (huyện U Minh), có không ít biển quảng cáo được treo lủng lẳng trên những thân cây cao lớn. Theo quan sát, cứ hễ biển này rách thì ngay lập tức có biển mới thay thế. Điều này minh chứng cho việc đường dây tín dụng đen luôn “rình rập” và chờ đợi con mồi sa lưới.

Ở địa phương có xảy ra tình trạng tín dụng đen “hoành hành”, Trưởng Công an xã Tạ An Khương (huyện Đầm Dơi), ông Phạm Minh Sang cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Công an huyện, lực lượng công an xã phối hợp với đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã ra quân nhiều đợt để tháo dỡ các biển quảng cáo, nhưng sáng hôm sau lại thấy những biển mới hơn, to hơn được treo lại chỗ cũ. Chúng hoạt động vào ban đêm và treo biển quảng cáo ở chỗ cao hơn để tránh bị lực lượng tháo dỡ”.

Theo ông Sang, những đối tượng này chỉ hoạt động vào ban đêm, quan sát rất kỹ địa bàn. Đa phần chúng đánh vào tâm lý của người dân, do thiếu hiểu biết và cần tiền, lại thích thủ tục nhanh gọn, nên đã ra sức “mồi chài”. Đã có nhiều gia đình vướng vào đường dây tín dụng đen nhưng chỉ có số ít trình báo với chính quyền địa phương, số còn lại vì mặc cảm nên âm thầm chịu đựng.

Sau các lần treo thấp dễ bị lực lượng chức năng tháo bỏ, các biển quảng cáo cho vay được treo cao và có phần kiên cố hơn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, mỗi năm cả nước có khoảng 1.500 vụ vỡ tín dụng đen. Bình quân mỗi ngày xảy ra khoảng 4 vụ. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Tại tỉnh Cà Mau, đã qua lực lượng chức năng đã xử lý 17 vụ, liên quan đến 36 đối tượng, thu giữ 169 hồ sơ cho vay và hàng ngàn tờ rơi có liên quan.

 

Chỉ vì thiếu hiểu biết

Xã Tạ An Khương là địa phương có số người trình báo vì “lỡ” sa vào tín đụng đen nhiều nhất huyện.

Với khuôn mặt thiểu não, anh Nguyễn Minh (ấp Mỹ Tân), một trong những “nạn nhân” của đường dây tín dụng đen, trần tình: “Vì thua lỗ sau những vụ nuôi tôm công nghiệp, gia đình không vốn để thả nuôi lại, vả lại đang thiếu nợ ngân hàng nên không thể vay thêm được nữa. Nên khi thấy biển quảng cáo cho vay thì mừng lắm, hồ sơ đơn giản, thủ tục lại nhanh, đáp ứng được nhu cầu hiện tại nên tôi không do dự. Cứ nghĩ đơn giản là vay một khoản tiền để đầu tư cho mùa vụ, nếu trúng thì trả mấy hồi”.

Anh Minh kể, chưa tới 10 ngày anh đã nhận được điện thoại chấp nhận hồ sơ vay, đem theo giấy chứng minh nhân dân ra bưu điện xã nhận tiền. Anh vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng chi nhánh Cà Mau, nhưng thực nhận chỉ có 18,5 triệu đồng. “Tôi thắc mắc thì được nhân viên tư vấn trả lời rằng phải trừ 1,5 triệu đồng tiền bảo hiểm rủi ro. Trường hợp tôi không có khả năng chi trả thì bảo hiểm này sẽ đứng ra chi trả hộ”, anh Minh nhớ lại.  

Không riêng anh Minh, trên địa bàn xã Tạ An Khương có rất nhiều trường hợp tương tự. Như hộ anh Nguyễn Thanh Triều, cùng ấp, cũng vì thua lỗ từ nuôi tôm công nghiệp nên anh vay từ ngân hàng “trên cây” 30 triệu đồng từ năm 2014. Do quá trình vay, anh đóng lãi tốt nên ngân hàng cho anh vay thêm 60 triệu đồng từ năm 2015. Theo hợp đồng, anh bắt đầu đóng mỗi tháng khoảng 2,4 triệu đồng. Tới năm 2016 thì anh Triều đã hết khả năng chi trả, ngân hàng gửi giấy báo thông báo anh còn thiếu 95 triệu đồng.

Và còn rất nhiều hộ trên địa bàn xã vướng vào những lời quảng cáo “có cánh” như hộ chị Nguyễn Thị Nga (ấp Mương Điều), hộ bà Hồ Kim Xuyến, hộ bà Phùng Thị Muôn… cũng ở cùng ấp.

Những hộ này cho biết là có thấy logo của ngân hàng, có địa chỉ rõ ràng nên không nghi ngờ. Bản hợp đồng vay thì quá dài, nhiều chi tiết, bản thân các hộ vay trình độ hạn chế, không thể hiểu cách tính của ngân hàng, chỉ biết số tiền mà mình phải trả hằng tháng để có thể hết nợ trong vòng 2 năm; mặt khác lại đang cần tiền nhanh, vì vậy mà dễ dàng chấp nhận vay. Đến khi không còn khả năng chi trả thì tính ra mới biết lãi suất cao, số nợ mình thiếu vẫn còn cao như “núi” thì mới “kêu trời”. Và những ngày sau đó, họ luôn nơm nớp lo sợ vì ngân hàng “trên cây” này thuê cả lực lượng đòi nợ thuê làm đủ hình thức để lấy cho bằng được tiền, thậm chí đe dọa tính mạng họ và gia đình…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *