Hết lo khi vào hợp tác xã

Cơ sở vật chất của HTX Kinh Dớn (ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc) được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất.

Bạn đồng hành của nhà nông

Ông Đời nhớ lại thời còn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, bà con ít quan tâm về vấn đề kỹ thuật, chịu chi phí sản xuất cao mà giá lúa bấp bênh nên gặp hoài cái cảnh huề vốn sau vụ mùa. Từ khi tham gia vào HTX, việc canh tác lúa của ông và nhiều nông dân thay đổi hẳn. Không chỉ biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa cao, giảm được chi phí sản xuất, mà quan trọng là không còn nỗi lo giá lúa lên xuống thất thường. Tính toán sản xuất giống lúa gì, rồi liên hệ với các công ty để cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm – tất cả việc này đều được lãnh đạo HTX chu toàn.

Hiệu quả hoạt động tạo được niềm tin trong nông dân, HTX Kinh Dớn ngày càng phát triển. Từ 27 thành viên lúc thành lập (năm 2014), đến nay đã tăng lên 65 thành viên, diện tích canh tác 123ha. Không dừng lại ở đó, mong muốn giúp nông dân trồng lúa yên tâm sản xuất, chàng thanh niên Nguyễn Vũ Trường, Giám đốc HTX, đã mạnh dạn chủ động tìm kiếm thị trường. Và tin vui đã đến khi đầu năm 2018, HTX ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) để xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài. Anh Trường chia sẻ: “Đầu năm 2018, HTX ký kết hợp đồng cung cấp lúa với Công ty Ngọc Quang Phát, sản lượng 1.000 tấn lúa và sau đó, hạt gạo của HTX đạt chất lượng, được khách hàng ở thị trường châu Âu, Mỹ chấp nhận. Vụ lúa đông – xuân vừa rồi, HTX thu mua 6.000 tấn lúa của xã viên và nông dân ở các xã lân cận, trong đó cung cấp 3.000 tấn lúa cho Công ty Ngọc Quang Phát để xuất khẩu, phần còn lại cung cấp cho một số doanh nghiệp khác”.

Cũng trở thành điểm tựa của nhà nông, không chỉ thu mua lúa của nông dân cao hơn so với giá lúa thị trường từ 200 – 500 đồng/kg, HTX Minh Tâm (ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây) còn tạo ra được sản phẩm đặc trưng của HTX. Nhãn hiệu “Gạo sạch Minh Tâm” của HTX chính thức có mặt trên thị trường vào cuối năm 2018. Ông Tạ Minh Kha, Giám đốc HTX: “Quy trình sản xuất gạo sạch của HTX rất nghiêm ngặt. Lúa giống, phân, thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân đạm sinh học, phân công nghệ sinh học. Khi lúa chín, ngành chuyên môn lấy mẫu kiểm tra, đạt chất lượng mới cấp giấy chứng nhận. Sau khi lúa được thu hoạch, phải đưa ngay về nhà máy sấy lúa ở Cà Mau để đảm bảo độ thơm, sáng của hạt gạo, sau đó mới đưa về HTX đóng gói thành phẩm”.

Gạo sạch Minh Tâm được sản xuất từ các giống lúa cao sản như ST24, RVT, OM5451, Nàng hoa 9. Ông Kha cho biết, ngoài thị trường trong tỉnh, gạo sạch Minh Tâm hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ. Bình quân xuất bán từ 20 – 30 tấn gạo/tháng.

Cần sự trợ lực

Huyện Trần Văn Thời hiện có 34 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, với tổng số 741 thành viên tham gia, 869 lao động; tổng vốn điều lệ hơn 52,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với 28 HTX, còn lại là lĩnh vực phi nông nghiệp.

Hiệu quả hoạt động của mô hình HTX đã được khẳng định trên thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình hoạt động, các HTX còn gặp phải không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Anh Nguyễn Vũ Trường, Giám đốc HTX Kinh Dớn, chia sẻ: “HTX chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, thu mua sản phẩm của nông dân, muốn mở rộng thêm loại hình sản xuất để giúp xã viên tăng thu nhập, nhưng không thể thực hiện do thiếu vốn”. Mặc dù, mới đây HTX được Liên minh HTX tỉnh Cà Mau hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng nhưng vẫn còn hạn hẹp so với nhu cầu.

Để giúp nông dân tăng thêm thu nhập, anh Trường dự định ngoài sản xuất lúa, sắp tới HTX sẽ sản xuất thêm rau màu; đồng thời, trong năm nay, quyết tâm tạo ra được sản phẩm gạo đặc trưng của HTX.

Còn đối với HTX Minh Tâm, ông Tạ Minh Kha bày tỏ: “Tôi và các thành viên HTX luôn mong muốn tạo ra được sản phẩm gạo đạt chất lượng cao, để khẳng định thương hiệu gạo Cà Mau, nâng cao giá trị của hạt gạo, giúp nông dân tăng thu nhập”.

Mỗi HTX một hướng đi riêng. Mỗi “chủ tàu” HTX như anh Trường, ông Kha có dự định cho HTX của riêng mình. Nhưng chung quy lại vẫn là tình yêu đối với cây lúa, với hạt gạo của quê hương, xứ sở.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *