Hiệu quả bước đầu từ mô hình tôm càng xanh toàn đực

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh giúp bà con tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 44.000ha nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Diện tích nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa năm 2015 khoảng 8.000ha; trong đó, huyện Thới Bình chiếm 7.029ha, còn lại rải rác ở các huyện U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau. Bà con mua tôm giống chủ yếu qua các doanh nghiệp tư nhân cung cấp, con giống có nguồn gốc nhập từ nước ngoài nên hiệu quả nuôi không ổn định. Năm 2015, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực, có công nghệ sản xuất từ Israel, tổng lượng cung ứng gần 1 triệu con cho bà con nông dân các huyện: Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh và TP. Cà Mau.

Thu hoạch tôm.

Gia đình ông Mai Thanh Quốc (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) vừa có đợt thu hoạch tôm càng xanh toàn đực, hiệu quả đạt được khá bất ngờ. Đây là hộ được Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau chọn thực hiện thí điểm mô hình “Sản xuất lúa chịu mặn kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực”, trên diện tích 1ha. Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau hỗ trợ 100% lúa giống, riêng ông Mai Thanh Quốc sẽ mua giống tôm càng xanh toàn đực và các vật tư thiết yếu. Tôm giống càng xanh toàn đực thả nuôi giữa tháng 8/2015, mật độ 1 con/m2, đến cuối tháng 1/2016, sau hơn năm tháng thả nuôi, thu hoạch được gần 200kg, với giá 150 – 220 ngàn đồng/kg.

Ông Quốc chia sẻ: “Tôi trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh từ nhiều năm qua, tuy nhiên năm nay tôi thí điểm nuôi tôm càng xanh toàn đực, kết quả bước đầu khá khả quan. Đợt thu hoạch rồi, gia đình tôi thu được 35 triệu đồng. Năm tới, tôi sẽ đầu tư mô hình này quy mô hơn, hứa hẹn lợi nhuận sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng cần liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra, tránh tình trạng thương lái ép giá, có như thế lợi nhuận của nông dân mới được nâng lên”.

Đo độ mặn của nước để kịp thời điều chỉnh phù hợp với điều kiện sống của lúa và tôm càng xanh trên vùng đất mặn.

Ông Phạm Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau, cho biết: Bước đầu cho thấy giống tôm càng xanh toàn đực thả nuôi phát triển tốt và tăng trọng lượng nhanh hơn so với tôm càng xanh thường. Nguyên nhân là do tôm càng xanh thường có số lượng tôm cái chiếm 50% và tôm càng xanh cái có kích thước và khối lượng nhỏ hơn tôm càng xanh đực, tỷ lệ sống sót sau thả nuôi đạt 80%. Nuôi tôm càng xanh toàn đực sẽ rút ngắn được thời gian nuôi, số lượng giống thả nuôi giảm hơn, hiệu quả cao hơn. Thực tế mô hình của ông Mai Thanh Quốc, sau năm tháng nuôi tôm càng xanh toàn đực, trọng lượng đạt từ 5 – 10 con/kg. Điều quan trọng ở đây là mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp cho bà con tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và cách ly được mầm bệnh cho mô hình lúa – tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông Phạm Minh Dũng (bìa trái), Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, kiểm tra mô hình thí điểm tôm càng xanh toàn đực của hộ ông Mai Thanh Quốc.

Tôm càng xanh toàn đực đang dần trở thành đối tượng nuôi được nông dân các vùng lúa – tôm lựa chọn. Để phát triển bền vững mô hình này, nông dân nuôi tôm cần liên kết với nhau, chủ động hợp tác với các đơn vị tiêu thụ; nhất là với các ngành chức năng, cần vào cuộc nhằm giúp nông dân tìm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *