Hiệu quả kênh tuyên truyền ở cơ sở

Loa truyền thanh là phương thức tuyên truyền hiệu quả ở cơ sở.

Mỗi ngày, trạm truyền thanh các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Bình tiếp sóng các chương trình của Đài Truyền thanh huyện, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Cà Mau và Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó, một số trạm, đài xã còn tự sản xuất chương trình, bản tin của địa phương. Tùy thực tế, mỗi đài sẽ có những khung giờ phát sóng khác nhau, khoảng 3 lần/ngày (từ 5 đến 7 giờ, 11 giờ đến 12 giờ, 17 giờ đến 18 giờ 30 phút).

Vì ở nông thôn, đa số người dân bận rộn với công việc đồng áng, thường tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh cơ sở nên phương thức tuyên truyền qua trạm truyền thanh là phù hợp, hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Văn Sơn (ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông) chia sẻ: “Công việc nhà bận rộn với nuôi tôm, chăm sóc hoa màu, nên tôi không có nhiều thời gian xem tivi hay đọc báo. Nhờ có loa truyền thanh gần nhà nên tôi và nhiều bà con vừa làm việc vừa có thể nắm được thông tin kịp thời, rất tiện ích. Nhất là các thông tin về mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân, tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ nhỏ, chương trình khám và cấp thuốc miễn phí cho người già, hộ khó khăn; hay các phong trào do địa phương phát động như trồng cây xanh, làm bờ kè phòng chống sạt lở; thông báo treo cờ nhân các dịp lễ, tết… Qua đó, người dân nắm thông tin và chủ động thực hiện tốt hơn. Cách tuyên truyền qua loa truyền thanh này vừa tiện cho người dân chúng tôi vừa tiện cho chính quyền ấp, khỏi đến từng nhà thông báo như trước đây”. 

Nhận định về hiệu quả tuyên truyền của trạm truyền thanh, ông Lâm Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Trí Lực: “Trạm truyền thanh xã có ban biên tập, có chương trình phát sóng riêng, với 16 cụm loa. Việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thông tin về tình hình địa phương tới người dân rất thuận lợi, nhất là trong các đợt cao điểm ra quân làm vệ sinh môi trường, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, vận động người dân trồng lúa sạch, lúa hữu cơ, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa hay cảnh báo thời tiết xấu…, truyền thanh cơ sở đã giúp huy động rất đông lực lượng đoàn viên thanh niên và người dân tham gia, góp phần đưa Trí Lực hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện vào tháng 10/2015”.

10 năm trở lại đây, hệ thống trạm truyền thanh xã, thị trấn được đầu tư máy phát sóng FM. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay các xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đều được đầu tư hệ thống bộ thu và máy phát mới, với tần số phát sóng rộng, xây dựng thêm nhiều cụm loa, góp phần phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, thông báo về tình hình kinh tế – xã hội đến tất cả hộ dân.

Hiệu quả là thế, nhưng hiện nay, cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại các trạm truyền thanh các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện đã cùng ngành chức năng tỉnh đầu tư đồng bộ máy phát sóng FM, công suất và sử dụng hiệu quả cho 12/12 xã, thị trấn có trạm truyền thanh không dây, với 104 cụm loa, cơ bản phủ kín 104 ấp, khóm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một số máy móc, trang thiết bị được đầu tư từ rất lâu nên xuống cấp, hệ thống loa ngoài trời bị hư hỏng nhiều do thời tiết hoặc một số hộ dân tự tiện câu, móc, đẩy… làm ảnh hưởng đến thiết bị và hoạt động thông tin tuyên truyền.

Một số trạm xã có thiết bị tiếp sóng nhưng hệ thống loa tại các điểm ấp, khóm quá ít, trong khi địa bàn lại rộng, dân cư sống không tập trung nên việc tiếp nhận thông tin không đảm bảo. Hơn nữa, đa phần các trạm truyền thanh xã đều không được bố trí phòng máy riêng mà chỉ được bố trí tạm tại các phòng làm việc của khối đoàn thể, trụ sở văn hóa, thể thao… nên khâu quản lý, bảo quản rất khó. Đội ngũ cán bộ không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên kỹ năng khai thác máy phát, viết bản tin không hiệu quả, chất lượng của chương trình tuyên truyền không cao; kiêm nhiệm nhiều công việc mà không có bất kỳ khoản phụ cấp nào… 

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống trạm truyền thanh xã, thị trấn, đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung các chương trình trên sóng là vấn đề cần thiết trong tình hình hiện nay. Thực tế, trạm truyền thanh các xã chủ yếu tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và thông báo tình hình kinh tế, các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, chưa có nhiều những nội dung bổ ích cho người dân nông thôn. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh, huyện cần phối hợp giúp các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *